Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã dự bữa tối tại Điện Kremlin ngày 3/7. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận quan điểm về tình hình Syria và các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Sputnik |
Tuy nhiên, lý do thực sự khiến ông Tập Cận Bình quyết định đến thăm Nga trước khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 là gì? Hãng tin Sputnik (Nga) đã tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia và đưa ra một số yếu tố chính quan trọng.
Dạng thức mớiTheo ông Alexei Maslov tại Trường Nghiên cứu Phương Đông thuộc Đại học Kinh tế Nga, tính thường xuyên trong các cuộc gặp và độ tin tưởng gia tăng giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là “dạng thức đặc biệt” của quan hệ Nga-Trung.
RT (Nga) dẫn lời ông Maslov: “Dạng thức của các cuộc gặp song phương đã thay đổi. Trong khi trước đây những cuộc đối thoại Nga-Trung mang quy mô lớn, đôi khi bao gồm hàng chục và hàng trăm vấn đề nghị sự thì nay lại thay đổi chỉ tập trung vào một số vấn đề nhất định. Điều này có nghĩa rằng Nga và Trung Quốc đã có thể xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau”.
Còn đối với ông Evsey Vasilyev tại Đại học Công Nga, tần suất các cuộc gặp cấp cao giữa Nga và Trung Quốc phản ánh động lực tích cực trong phát triển mối quan hệ song phương.
“Về mặt kinh tế, có một số dự án hợp tác bao gồm đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia, Sức mạnh Siberia 2 và đường ống Altay cũng như sự tích hợp giữa Con đường tơ lụa mới và Liên minh kinh tế Á Âu (EEU). Về chính sách ngoại giao, đó là sự mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với thành viên mới Ấn Độ và Pakistan”, ông Vasilyev nói.
Tầm nhìn đa cựcTrợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Li Huilai trước thềm chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình đã thông báo rằng hai nước sẽ ra tuyên bố chung sau các cuộc đối thoại tại Moskva với nội dung về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế.
Ông Vasilyev nhận định: “Moskva và Bắc Kinh muốn tiếp tục chính sách hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu, bao gồm những điều nằm trong khuôn khổ của G20”.
Theo ông Vasilyev, những nỗ lực này theo sau quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung cũng như vì tầm nhìn chung của hai quốc gia này về chuyển dịch tới một trật tự thế giới đa cực.
Quốc kỳ Nga và Trung Quốc gắn trên xe một người đàn ông tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Ông Maslov bày tỏ quan điểm rằng nội dung chương trình nghị sự giữa Nga và Trung Quốc sẽ đề cập đến cuộc khủng hoảng tại Syria, tình hình Trung Đông và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Tại Syria, Trung Quốc ủng hộ Nga và chính phủ của Tổng thống Bashar Assad. Trong khi đó, về Triều Tiên cả Moskva và Bắc Kinh đều khẳng định vấn đề chỉ được giải quyết thông qua biện pháp ngoại giao. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga có thể cũng thảo luận về an ninh mạng cũng như cuộc chiến chống lại khủng bố và các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Đa dạng hóa thương mạiNgày 29/6, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Li Huilai cho biết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga, các công ty của hai quốc gia sẽ ký những thỏa thuận trị giá hơn 10 tỉ USD.
Ông Maslov đánh giá rằng Nga và Trung Quốc đang chuyển đến dạng thức phức tạp hơn của hợp tác qua “đa dạng hóa”.
“Thay đổi này được cho sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các đối thoại tại Moskva. Những vấn đề trước đây được thảo luận bởi cấp bộ trưởng nay sẽ do các nhà lãnh đạo quốc gia trao đổi”, ông Maslov nêu ý kiến.
Đường ống Sức Mạnh Siberia. Ảnh: Sputnik |
Đặc biệt, theo chuyên gia này, hai bên nhiều khả năng sẽ đề cập đến viễn cảnh đưa một số sản phẩm của Nga, bao gồm nông sản, vào thị trường Trung Quốc.