Vì sao Séc 'bình chân' trước nguy cơ Nga ngừng bơm dầu?

Vào những ngày giữa tháng 3/2014, đề tài an ninh năng lượng tưởng như đã bị cho vào dĩ vãng lại bị xới lên ở CH Séc do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình ở Praha khá tĩnh lặng. Câu hỏi được đặt ra là vì sao lại như vậy?

Vẫn như trước đây Séc mua dầu mỏ, khí đốt của Nga và tiếp nhận chúng theo đường ống trung chuyển qua Ukraine. Song Séc đã rút ra những bài học trong quá khứ, đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa và bây giờ “kê cao gối ngủ say”, chẳng sợ mối nguy cơ không được cung cấp dầu – khí đầy đủ.

Đường ống dẫn dầu nối từ Nga sang CH Séc.


Cho đến những ngày này dầu mỏ và khí đốt vẫn được chuyển từ Nga sang Séc đều đều. Nhưng ai cũng hiểu rằng tình hình ở Ukraine cực kỳ căng thẳng và mọi việc có thể thay đổi nhanh chóng.

Dầu mỏ của Nga có thể chẳng đến được Séc và cũng không quan trọng là phía nào đóng đường ống, Nga có thể ra tay để tước đi của Ukraine nguồn thu từ việc trung chuyển, hoặc Ukraine “động thủ” để phá bỏ hình ảnh Nga là nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Trả lời phỏng vấn của Radio Praha, ông Jaroslav Pantuchek, Giám đốc MERO (công ty quốc gia chuyên về cung cấp dầu mỏ ở Séc), thể hiện rõ thái độ bình tĩnh.

Ông nói: “Chúng tôi quen với chuyện này (nguy cơ trục trặc về vận chuyển nhiên liệu) trong ngạch kinh doanh của mình rồi. Tôi làm trong công ty từ lâu và chúng tôi đã mấy lần trải nghiệm các cuộc khủng hoảng liên quan đến đường ống dẫn dầu Druzhba (Hữu nghị). Đã từng xảy ra rắc rối khi vào mùa đông các mỏ dầu ở Siberia bị băng giá bao phủ. Đã từng xảy ra khủng hoảng Belarus, do vậy đối với cuộc khủng hoảng Ukraine… chúng tôi đã sẵn sàng”.

Druzhba là hệ thống các tuyến đường dẫn dầu lớn nhất thế giới do Liên Xô xây dựng trong những năm 60 của thế kỷ 20 nhằm cung cấp dầu mỏ từ vùng Ural tới các nước XHCN ở Đông Âu thuộc Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) gồm Hungaria, Tiệp Khắc, Ba Lan và CHDC Đức.

Hệ thống đường ống này dài 8.900 km (trong đó 3.900 km nằm trong lãnh thổ Nga), có 46 trạm bơm, trạm bơm trung chuyển. Mỗi năm hệ thống tải 66,5 triệu tấn dầu.

Theo ông Jaroslav Pantuchek, Séc dự trữ được 1 triệu tấn dầu mỏ, đủ dùng trong 60 ngày. Từ đầu nguồn của đường ống ở Nga đến cuối đường ở Séc dầu mỏ chảy liên tục suốt 5 tuần. Nếu Moskva thông báo đột ngột rằng vì một lý do nào đó mà không bơm dầu cho Séc thì nước này vẫn có 5 tuần để đối phó.

Trong thời gian đó MERO sẽ kịp mua nhiên liệu từ tàu chở dầu đậu ở các hải cảng nước khác rồi bơm vào đường ống xuyên núi Alps của Italy rồi chở về Séc. Nguồn dầu trên biển lúc nào cũng sẵn, MERO có trách nhiệm mua, còn việc chuyên chở từ các hải cảng về Séc thì đã có Chính phủ Séc đảm nhận.

Bắt đầu từ năm 2012, khi Séc mua cổ phần trong tuyến đường ống dẫn dầu xuyên Alps có tên gọi là TAL thì chính phủ nước này cảm thấy yên tâm vì lần đầu tiên họ có cửa ngõ thông ra biển (Séc là quốc gia không có biển).

Ngoài ra, MERO hy vọng vào tình hữu hảo chuyên nghiệp từ phía Transneft của Nga. Hai công ty của hai nước đã có thỏa thuận về việc thông báo kịp thời cho nhau về các sự cố cung cấp dầu mỏ.

Radio Praha cho biết, trong tháng 4/2014 tại Praha sẽ diễn ra hội nghị thành lập hiệp hội các nhà vận chuyển dầu mỏ. Lần đầu tiên các công ty chuyên về vận chuyển dầu của nhiều nước sẽ tập hợp lại thành một hiệp hội quốc tế.

Trong hiệp hội sẽ có đại diện của tất cả các nước mà hệ thống đường ống Druzhba đi qua, có cả Azerbaigian và Kazakhstan. Trụ sở của hiệp hội đặt tại Praha. Một trong những thành viên chủ chốt của hiệp hội chính là công ty Transneft của Nga.


Trần Quang Vinh



Dầu mỏ Mỹ không giải quyết được khủng hoảng Ukraine
Dầu mỏ Mỹ không giải quyết được khủng hoảng Ukraine

Đảng Cộng hòa đang thúc giục Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng dầu mỏ như một vũ khí trong cuộc chiến ngoại giao của phương Tây với Nga về tương lai của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN