Vì sao Trung Quốc phải hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong 60 năm?

Lưu vực sông Hải Hà của Trung Quốc, nơi có 110 triệu người sinh sống, đã hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1963 bất chấp những nỗ lực giảm thiểu rủi ro. 

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh trong trận lụt do ảnh hưởng của bão Doksuri tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bão Doksuri, cơn bão mạnh nhất ập vào Trung Quốc tính đến thời điểm này trong năm nay, đã di chuyển lên phía Bắc vào cuối tháng 7 sau khi đổ bộ vào phía Nam.

Trận bão đã gây ra lượng mưa lớn bất thường cho lưu vực sông Hải Hà, nơi vốn hiếm có bão, và lượng mưa chưa từng thấy tại thủ đô Trung Quốc kể từ khi bắt đầu theo dõi cách đây 140 năm.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Trận lụt lịch sử năm 1963

5 con sông chảy vào lưu vực sông Hải Hà - hệ thống thoát nước tự nhiên lớn nhất ở miền Bắc Trung Quốc. Lưu vực này bao gồm Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc và thành phố cảng lớn Thiên Tân.

Tháng 8/1963, khu vực này chìm trong trận mưa bão lịch sử khiến 22 triệu người bị ảnh hưởng. Lũ lụt đã khiến 5.030 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 53,6 triệu mẫu đất nông nghiệp, tương đương 76% diện tích gieo trồng, bị ngập úng. 

Đáp lại, Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đó đã ra chỉ đạo đưa lưu vực sông Hải vào "sự kiểm soát vĩnh viễn", bằng cách huy động hàng triệu người làm các công việc nâng cao hàng nghìn km bờ kè, xây dựng các hồ chứa mới và củng cố các hồ chứa cũ.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Tác dụng phụ của đô thị hóa

Kể từ thời điểm đó, dân số đô thị của Trung Quốc đã tăng vọt, từ chỉ 16% dân số lên 64% vào năm 2022. Lưu vực Hải Hà hiện có đến 25 thành phố lớn và vừa.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đồng nghĩa với sự lan rộng của các bề mặt bê tông không thấm nước, cũng như làm giảm các vùng đất ngập nước và đầm lầy tự nhiên giúp hấp thụ lượng nước mưa. 
Việc người dân di cư lên đô thị đã kéo theo sự bùng nổ xây dựng ở các vùng trũng thấp, bao gồm cả các khu vực chứa lũ và gần hồ và sông.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Hệ thống thoát nước đô thị từ Liên Xô cũ của Trung Quốc, với các đường ống được chôn nông, đã góp phần làm các thành phố dễ bị ngập úng khi mưa lớn, trái ngược với các "hành lang" bão dưới lòng đất ở các thành phố như Tokyo, Nhật Bản.

Kể từ năm 2015, khoảng 30 thành phố ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thiên Tân, đã thử nghiệm một số hệ thống giảm thiểu lũ lụt khác nhau, bao gồm nhựa đường và vỉa hè thấm nước để làm chậm dòng nước chảy. Tuy nhiên, thực trạng lũ lụt nghiêm trọng gần đây đã gây nghi ngờ về hiệu quả của chúng.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Thiếu phương án chuẩn bị

Thành phố Trác Châu thuộc tỉnh Hà Bắc, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận lũ lụt gần đây, đã không được chuẩn bị trước để chống lũ. 

Ngày 29/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đỏ đầu tiên về mưa lớn trong 12 năm qua. Đây là mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo bằng mã màu.

Nhưng nhiều cư dân Trác Châu nói với truyền thông rằng họ không được thông báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình hoặc được yêu cầu sơ tán, bất chấp lời cảnh báo trên.

Ngày 31/7, giới chức tỉnh Hà Bắc đã mở các cửa xả lũ tại 7 khu vực chứa lũ ở vùng trũng thấp, trong đó có 2 khu vực ở Trác Châu - điều được giải thích là một quyết định "không thể tránh khỏi" để ngăn các con sông vỡ bờ và bảo vệ các thành phố ở hạ lưu.

Tại Hà Bắc, gần 1 triệu người sống trong các khu vực chứa lũ đã được sơ sán. Một số hãng truyền thông nói rằng họ được sơ tán chỉ vài giờ trước khi lũ tràn vào làng. 

Xem video cuộc giải cứu một người đàn ông ngồi trong ô tô bị nước lũ cuốn đi tại Hà Bắc ngày 1/8 (Nguồn: CNA) 

Ông Ma Yang, Phó Chủ tịch Bộ phận dân sự và cơ sở hạ tầng Trung Quốc tại công ty tư vấn cơ sở hạ tầng AECOM, cho rằng các nguyên nhân như cơ sở kiểm soát lũ lụt cũ kỹ, cùng với nhu cầu sử dụng nước tăng lên và thời tiết khô hạn kéo dài đã khiến người dân ít chú trọng đến mối nguy hiểm này. 

Theo ông Ma, các nhà chức trách nên thực hiện kế hoạch thoát nước tổng thể cho các thành phố và quản lý vùng ngập lũ dựa trên bản đồ rủi ro lũ lụt liên quan đến các con sông.

Theo thống kê của Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, thiệt hại kinh tế trực tiếp do thiên tai trong tháng 7 ở nước này là 41,18 tỷ nhân dân tệ (5,74 tỷ USD). Con số này cao hơn thiệt hại 6 tháng trước đó cộng lại (,23 tỷ nhân dân tệ).

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Chỉ riêng trong tháng 7, Trung Quốc phải hứng chịu hai trận bão lớn. Bão Talim đổ bộ miền Nam nước này hồi trung tuần tháng 7 gây thiệt hại hơn 2,6 tỷ nhân dân tệ, trong khi thiệt hại do bão Doksuri lên tới gần 15 tỷ nhân dân tệ.

Tác động của lũ lụt, vốn phổ biến ở Trung Quốc vào mùa Hè, đã gia tăng rõ rệt hơn trong năm nay, ảnh hưởng đến hơn 7 triệu người ở nước này trong tháng 7. Thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố lân cận đã gặp tình trạng ngập lụt nghiêm trọng sau trận mưa lớn lịch sử kéo dài 5 ngày, từ 29/7-2/8. Mưa lớn tại Trung Quốc do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri đã gây lũ lụt trên diện rộng và khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và 19 người mất tích.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (theo Reuters)
Nguyên nhân sâu xa và những tác động khi Trung Quốc rơi vào giảm phát
Nguyên nhân sâu xa và những tác động khi Trung Quốc rơi vào giảm phát

Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã rơi vào ngưỡng giảm phát trong tháng 7, khi tình trạng bất ổn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào một giai đoạn mới với những rủi ro tiềm ẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN