Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan nói: “Chúng tôi rất sốc trước sự kiện này”. Bà cho biết đã có trên 20 người thiệt mạng tại làng Katesh ở Manyara.
Tổng thống Tanzania đã chỉ đạo cơ quan an ninh, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan khác nỗ lực hết sức để tìm kiếm và cứu hộ nhằm ngăn chặn thêm nhiều trường hợp tử vong.
Truyền thông địa phương cho biết mưa lớn tối 2/12 đã gây ra lở đất ở một số khu vực trên núi Hanang và cuốn trôi nhiều gia súc.
Dưới đây là video cho thấy sức tàn phá của nước lũ tại làng Katesh ở Tanzania (nguồn: Reuters):
Lũ lụt nghiêm trọng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Kenya và Somalia trong những tuần gần đây. Mưa lớn cũng tàn phá cơ sở hạ tầng như đường sá và nhấn chìm một số làng mạc ở Đông Phi, khiến hàng trăm nghìn người phải di dời.
Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan dữ dội hơn và thường xuyên hơn. Để phản ứng, các lãnh đạo châu Phi đang vận động các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ cho hành động chống biến đổi khí hậu.
Sau khi trải qua đợt hạn hán chưa từng có, Đông Phi đã phải hứng chịu mưa lớn lũ lụt trong nhiều tuần. Những trận mưa như trút nước đã khiến hơn một triệu người ở Somalia phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng. Vào tháng 5, mưa xối xả gây lũ lụt và lở đất tàn khốc ở Rwanda khiến ít nhất 130 người thiệt mạng.
Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến và dữ dội. Kể từ cuối năm 2020, Somalia cũng như một số vùng của Ethiopia và Kenya đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất khu vực trong 40 năm qua. Năm 2019, ít nhất 265 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải di dời trong hai tháng mưa không ngừng ở một số quốc gia ở Đông Phi.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 30/11, tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã chính thức khởi động quỹ bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Theo thỏa thuận, quỹ sẽ tạm thời được đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB). Chủ tịch COP28 thông báo UAE cam kết góp 100 triệu USD cho quỹ trên. Một số nước khác cũng đã cam kết góp tiền. Cụ thể, Đức góp 100 triệu USD, Mỹ góp 17,5 triệu USD, Anh góp 75,88 triệu USD và Nhật Bản góp 10 triệu USD.