Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch RKI Lothar Wieler cảnh báo tất cả người dân ở bất kỳ độ tuổi nào đều có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và đặc biệt những người cao tuổi sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Theo ông, không giống những virus cúm thông thường, virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn, khiến cho tỷ lệ người nhiễm bệnh tăng cao. Đây chính là nguyên nhân quan trọng buộc người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình để đảm bảo hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Ông cũng khuyến cáo những ai có các triệu chứng của bệnh như ho, ho khan thì cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch RKI Lothar Wieler cũng đưa ra kết quả một cuộc thăm dò cho thấy vẫn còn nhiều người dân Đức chủ quan và chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Ông cho rằng chỉ khi người dân hoàn toàn tuân thủ các quy định thì mới có thể làm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh này xuống mức tối đa.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Thủ tướng Đức, ông Helge Braun cho biết chính phủ đang xem xét khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn liên bang nhằm hạn chế sự lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2. Ông cho biết từ nay đến cuối tuần, nếu người dân không nghiêm túc tuân thủ các quy định thì chính phủ sẽ buộc phải đưa ra biện pháp nghiêm ngặt này. Dự kiến, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc thảo luận với thủ hiến các bang ở Đức về vấn đề này vào ngày 22/3 tới.
Theo các số liệu thống kê của RKI, đến nay trên toàn nước Đức đã ghi nhận 16.924 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 với 44 ca tử vong. Bang Nordrhein-Westfalen vẫn là bang có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất với 5.734 trường hợp và 17 ca tử vong. Thủ đô Berlin hiện ghi nhận 8 ca nhiễm virus gây chết người này.
Trong khi đó, tại Italy, trước tình trạng số ca mắc bệnh COVID-19 trong những ngày qua tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu suy giảm bất chấp các quy định hạn chế người dân đi lại, Italy đã huy động lực lượng quân đội tham gia giám sát việc thực hiện Sắc lệnh phong tỏa.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Bộ trưởng Nội vụ Italy Luciana Lamorgese cho biết việc huy động và triển khai lực lượng quân đội tại các khu vực cụ thể sẽ do các Giám đốc Sở Nội vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ Italy, quyết định. Hiện Italy đã triển khai 7.300 lính giám sát trên các đường phố của vùng Campagnia, Sicily và 13.000 lính đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tại các khu vực khác. Chủ tịch vùng Lombardia Attilio Fontana và Thị trưởng thành phố Rome Virginia Elena Raggi cũng đã yêu cầu sự tham gia của lực lượng quân đội nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm quy định hạn chế đi lại. Dự kiến việc triển khai sẽ được thực hiện sớm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini cho biết, lực lượng quân đội đã sẵn sàng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định trong tình trạng khẩn cấp đối phó với dịch bệnh COVID-19 hiện nay trên phạm vi toàn quốc. Ông khẳng định: “Quân đội Italy có trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe người dân cũng như bảo vệ lãnh thổ”.
Trong một diễn biến khác, bất chấp nỗ lực của chính phủ và hệ thống y tế quốc gia Italy đang phải gồng mình để đối phó với dịch bệnh, nhiều người dân Italy vẫn tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định hạn chế đi lại. Đây đang là vấn đề cấp bách đối với Chính phủ Italy và chính quyền các vùng, đặc biệt là vùng tâm dịch Lombardia.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, chỉ trong ngày 19/3 đã có 8.000 trường hợp vi phạm, nâng tổng số các trường hợp vi phạm kể từ khi Italy ban hành quy định hạn chế đi lại lên 43.000 trường hợp. Các trường hợp này đã bị cáo buộc ra ngoài không có lý do với hình phạt nặng nhất có thể bị bắt giam.
Chủ tịch vùng Lombardia đã kêu gọi chính phủ cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với người dân bởi tình trạng “có quá nhiều người đi lại trên các đường phố hiện nay”. Chính phủ Italy đang hướng tới việc gia hạn các quy định hạn chế đi lại sau ngày 3/4, bao gồm đóng cửa các trường học và đình chỉ nhiều hoạt động khác.