Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ. Ảnh: Nguyễn Hữu Hoàng/P.v TTXVN tại Mỹ |
Tham dự buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu chia sẻ ý nghĩa thiêng liêng của Ngày quốc tế Vesak, khẳng định sức sống và giá trị của giáo lý Phật giáo. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh trong thế giới ngày nay khi xung đột, bất bình đẳng và nghèo đói vẫn đang hiện hữu, các lời dạy của Đức Phật chỉ lối cho chúng ta vượt qua các thách thức bằng tình thương và sự thấu hiểu, củng cố niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng, hòa bình và phát triển bền vững cho toàn nhân loại.
Chia sẻ về vai trò của Phật giáo tại Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết kể từ khi du nhập vào Việt Nam hơn 2000 năm trước, Phật giáo luôn là nhân tố thúc đẩy hòa bình và hòa hợp trong xã hội, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, thúc đẩy hòa hợp, tôn trọng, đoàn kết giữa tất cả các tôn giáo, cũng như phát huy các giá trị văn hóa và đạo đức của tất cả các tôn giáo, góp phần vào mục tiêu phát triển đất nước và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Đại Hội đồng Lajcak khẳng định các lời dạy của Đức Phật tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng cho nhân loại, trong đó rất nhiều nguyên tắc tương đồng và phù hợp với LHQ, đặc biệt là giáo lý về "Trung Đạo", nơi tìm kiếm và hội tụ điểm chung, cũng chính là bản chất của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương. Về phần mình, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh thông điệp của Phật giáo về tinh thần phụng sự, theo đó, mỗi người chúng ta đều là một phần của thế giới, cùng có trách nhiệm xử lý các thách thức chung, thúc đẩy hòa bình và quyền con người; đồng thời, chia sẻ tư tưởng Phật giáo về bao dung và nhân văn, tương đồng với các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó cần dung hòa các khác biệt, chăm lo tới tất cả những người dễ bị tổn thương để thực sự không ai bị bỏ lại phía sau.