Hành động quyết đoán, minh bạch, hiệu quả
Nguyễn Hồng Hải, nhà nghiên cứu danh dự tại Trung tâm chính sách tương lai, Đại học Queensland của Australia, bình luận rằng: “Việt Nam đã giành được sự khen ngợi của quốc tế và trong nước nhờ các biện pháp mạnh tay ngăn chặn đại dịch COVID-19. Chính phủ Việt Nam đang xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 minh bạch, hiệu quả và kịp thời, giành được sự tín nhiệm của người dân. Thật vậy, Việt Nam đã phản ứng nhanh hơn hầu hết các quốc gia châu Á bằng cách đóng cửa hoạt động đi lại đến và đi từ Trung Quốc vào tháng Một, ngay cả khi dịch bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán khi nhiều người dân đến thăm gia đình và bạn bè."
“Việt Nam thành công với mô hình dập dịch bằng chi phí thấp”, nhà báo Jean-Raphael Chaponniere khẳng định trên trang Asialyst. Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam - giáo sư danh dự của Đại học New South Wales tại Australia, đánh giá Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "đã rất chủ động. Ông đã thành lập một ban chỉ đạo, có nhiệm vụ giám sát ở cấp quốc gia, tỉnh và địa phương”.
Hãng thông tấn Đức GPA cho rằng, “mặc dù có chung biên giới với Trung Quốc, Việt Nam, với sự kết hợp của hành động quyết đoán sớm, xét nghiệm rộng rãi, cách ly triệt để và đoàn kết xã hội, cho đến nay đã tránh được sự tàn phá khủng khiếp giống như ở châu Âu và Mỹ”.
“Không nhiều người ở những nước phát triển có thể dễ dàng bị thuyết phục rằng một đất nước đông dân, ngân sách tương đối hạn hẹp như Việt Nam đã phản ứng tốt với một đại dịch đang hoành hành các nước giàu có và phát triển nhất. Một số người nhớ rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên xử lý được dịch SARS chỉ trong 20 ngày” - Chuyên gia Lê Thu Hương, Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, nói.
Nhà báo, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, David Hutt, đánh giá trên trang Asiatimes: “Thông qua đóng cửa biên giới sớm, sự minh bạch và chiến lược ngoại giao COVID-19, Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên với tiềm năng là trở thành quốc gia chiến thắng sau đại dịch”.
“Việt Nam có dân số khoảng 97,34 triệu nhưng đã ngăn chặn được tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn các nước giàu ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á” – đó là nhận xét của nhà báo Jamaica, Gabrielle Nain, thường trú tại Vietnam.
Nhiều chuyên gia, nhà quan sát đã theo dõi rất kỹ chiến dịch phòng chống dịch của Việt Nam và có những đánh giá cao. Bà Amy Searight - Giám đốc kiêm chuyên gia cấp cao chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho rằng: Việt Nam, tăng trưởng nhanh những vẫn là 1 nước đang phát triển với nguồn lực ít hơn nhiều Singapore, đã đưa ra một phản ứng nhanh chóng và quyết liệt đối với dịch COVID-19 mà cho đến nay đã có thành công lớn, với việc không có trường hợp nào tử vong, theo dữ liệu của chính phủ.
Biên giới chung của Việt Nam với Trung Quốc và giao dịch xuyên biên giới nhộn nhịp khiến nước này rất dễ bị tổn thương do sự lây lan của virus, nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhanh chóng dừng các chuyến bay từ Trung Quốc và đóng cửa các trường học trên toàn quốc. Việt Nam cũng trở thành nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đóng cửa một khu dân cư lớn ở một tỉnh phía Bắc Hà Nội vào giữa tháng Hai sau khi xuất hiện ca bệnh là công nhân trở về từ Vũ Hán. Khả năng của Việt Nam trong huy động xã hội đã được thể hiện đầy đủ thông qua các tin nhắn gửi cho người dân, khả năng cách ly các đối tượng có triệu chứng và việc theo dấu các ca F1 và F2, cách ly các du khách nhập cảnh, và huy động sinh viên y khoa, những người về hưu…”.
Paul Neville, một người Mỹ đã có trải nghiệm tại Việt Nam trong thời kỳ chống dịch COVID-19, chia sẻ trên trang seattletimes.com: “Tôi từ châu Á trở về nhà và choáng với cách nước Mỹ xử lý dịch COVID-19. Nhưng bất chấp điều đó, chúng tôi không thể từ bỏ. Tôi không muốn hối tiếc vì đã trở về nhà, về Mỹ, khi hoá ra Việt Nam lại là nơi an toàn hơn”
Thành công nhờ đoàn kết xã hội
Trên trang workers.org, nhà báo Joshua Hanks đánh giá: “Việt Nam đã có một phản ứng rất thành công, có lẽ nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Việt Nam là điển hình cho cả các nước đang phát triển và phát triển trong nỗ lực đối phó với dịch với COVID-19. Phần lớn thành công là nhờ vào sự đoàn kết xã hội”.
Thật vậy, hình ảnh chiếc máy ATM phát gạo miễn phí tại nhiều nơi ở Việt Nam, với tinh thần “tương thân tương ái”, đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên trang mạng xã hội và truyền thông quốc tế. “Một chiếc máy cho ra gạo miễn phí - một điều tưởng chừng như khó tin - nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh”, nhà báo Alicia Lee đăng trên trang CNN.
Cùng viết về sáng kiến ATM gạo của Việt Nam, nhà văn - nhà hoạt động người Mỹ Marianne Williamson đăng trên Twitter cá nhân bài báo kêu gọi: “Đây là ý tưởng mà chúng ta cũng nên thực hiện. Hàng triệu người Mỹ thiếu lương thực đang ngày càng trở nên tuyệt vọng mỗi ngày”.
Tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của chính phủ và người dân trong phòng chống dịch bệnh cũng được chuyên gia David Hutt đánh giá cao trên trang Foreign Policy: “Sự phản ứng chủ động và minh bạch của Hà Nội đối với đại dịch đã giành được những lời khen ngợi của quốc tế và trong nước. Không quá phóng đại khi nói rằng chính phủ đã nhận được sự ủng hộ lớn nhất của nhân dân kể từ sau khi thống nhất đất nước. Mặc dù không nhận được sự chú ý của quốc tế như Canada, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam vẫn nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn trong chiến đấu với đại dịch”.
Trong khi đó, nhà báo Tina Ngo, trên trang liberationnews.org, đã có những bình luận rất thẳng thắn, ca ngợi chính sách nhân văn, đặt con người vào trung tâm của Việt Nam: “Việt Nam là một ví dụ về việc hành động như thế nào để đối phó hiệu quả đại dịch. Trái với chỉ trích phổ biến của các phương tiện truyền thông phương Tây, thành công của Việt Nam cho đến nay không chỉ đơn giản là một phép lạ. Đó là kết quả của một nền kinh tế kế hoạch với một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt con người trên lợi nhuận. Đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra điểm yếu của chủ nghĩa tư bản, đặt lợi ích lên trên con người. Việt Nam chứng minh rằng có một cách khác”.