Theo bà Jessica Wau, Việt Nam đã cho thấy cách xử lý ấn tượng đối với đại dịch COVID-19. Số ca lây nhiễm thấp và khả năng mở cửa lại nền kinh tế tương đối sớm đã mang lại cho Việt Nam khả năng hỗ trợ các nước khác, trong đó có các nước ASEAN. Nếu không có làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong ASEAN nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, thông qua đối thoại có ý nghĩa và ưu tiên các nhu cầu trước mắt của khu vực.
Nhận định về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, bà Jessica Wau cho biết hội nghị này đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19, nên hình thức họp trực tuyến là giải pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay. Cuộc họp trực tuyến đã cho thấy những cam kết về việc đối thoại thường xuyên trong ASEAN. Trong đối phó với đại dịch COVID-19 và tiến trình hồi phục kinh tế sau đại dịch, các cuộc trao đổi có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, giúp các nước ASEAN cập nhật tình hình và cùng phối hợp hướng tới những giải pháp chung.
Để giúp các nước ASEAN phục hồi sau đại dịch, bà Jessica Wau khuyến nghị “không nên bỏ qua sự hội nhập ASEAN và việc thành lập các hành lang du lịch an toàn, đặc biệt vì mục đích kinh doanh, nên là trọng tâm trong tương lai” đối với các nước thành viên ASEAN.
Về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), việc ký kết hiệp định này dự kiến trong năm nay với chỉ 15 thành viên, thiếu vắng Ấn Độ, là một nỗ lực rất lớn nhằm thúc đẩy giao thương, hồi phục kinh tế không chỉ của ASEAN mà còn là của các nước đối tác của hiệp hội sau đại dịch COVID-19. Theo bà Jessica Wau, ASEAN thông báo để ngỏ cơ hội cho Ấn Độ tham gia RCEP, nên quyết định có tham gia hiệp ước lớn về thương mại khu vực này hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào chính quyền New Delhi. ASEAN và các nước đối tác tiếp tục hy vọng Ấn Độ sẽ gia nhập vào giai đoạn sau.