Việt Nam, Indonesia kêu gọi tiếp cận toàn diện trong vấn đề Mali

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 8/10 về những diễn biến gần đây tại Mali, Việt Nam và Indonesia đã kêu gọi cần có cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các thách thức về an ninh, nhân đạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở quốc gia Tây Phi này.

Chú thích ảnh
 Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sĩ tiến hành, ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo trước cuộc họp trực tiếp đầu tiên của HĐBA kể từ tháng 3/2020 sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Mahamat Saleh Annadif - Đặc phái viên đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Mali, Trưởng Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA) - cho biết tình hình tại Mali nhìn chung đã ổn định lại kể từ sau vụ đảo chính hôm 18/8 vừa qua. Tổng thống tạm quyền đã tuyên thệ nhậm chức và bổ nhiệm một Thủ tướng dân sự.

Chính phủ chuyển tiếp cũng đã được thành lập với 25 thành viên và đề ra ưu tiên 4 điểm gồm củng cố quân đội; ngăn chặn các hành vi vi phạm, tập trung chống tham nhũng; tổ chức các cuộc bầu cử tự do, minh bạch, trả lại tính hợp pháp của Hiến pháp; và thực hiện Thoả thuận hoà bình, hoà hợp dân tộc năm 2015.

Đặc phái viên Annadif đánh giá cao vai trò hoà giải của Cộng đồng Kinh tế Khu vực Tây Phi (ECOWAS) trong cuộc khủng hoảng tại Mali, đồng thời cho rằng hiện tại là thời điểm để người dân Mali và các bên liên quan cùng nhau hợp tác, xây dựng hoà bình, an ninh và phát triển bền vững cho quốc gia Tây Phi này. Đặc phái viên Annadif nêu rõ phái bộ MINUSMA luôn sẵn sàng giúp đỡ Mali và người dân nước này thực hiện các mục tiêu nêu trên.

Các nước thành viên HĐBA đồng tình với nội dung báo cáo của Đặc phái viên Annadif, nhấn mạnh Chính phủ chuyển tiếp ở Mali cần sớm tổ chức bầu cử tự do, công bằng và minh bạch để thành lập một chính phủ dân sự và tiếp tục triển khai Hiệp định hoà bình năm 2015.

Các nước đánh giá cao nỗ lực của ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) trong bình ổn tình hình Mali, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của ECOWAS; đồng thời thúc giục các bên liên quan tập trung chống khủng bố, bạo lực cực đoan và xung đột giữa các cộng đồng dân cư; củng cố sự hiện diện của Nhà nước tại miền Bắc và miền Trung Mali. Một số nước nhấn mạnh cần bảo đảm các hoạt động nhân đạo diễn ra suôn sẻ, hỗ trợ Mali chống dịch COVID-19 và tập trung phát triển bền vững. 

Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ thay mặt Việt Nam và Indonesia, hai nước thành viên của ASEAN tại HĐBA, tái khẳng định ủng hộ đoàn kết, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mali. Đại sứ cho biết hai nước theo dõi sát tình hình Mali và ghi nhận việc bổ nhiệm Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp.

Trước tình hình an ninh xấu đi do khủng bố và bạo lực cực đoan gia tăng, Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên tăng cường niềm tin và hợp tác để thúc đẩy hoà hợp dân tộc, nhanh chóng chuyển tiếp sang chế độ dân sự và tiếp tục thực hiện Thoả thuận hoà bình 2015. Đại sứ nhấn mạnh ủng hộ các nỗ lực của LHQ, AU, ECOWAS và cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp và ổn định tại Mali.

Hải Vân - Vũ Hiếu (TTXVN)
Tổng thống Mali bổ nhiệm Thủ tướng lâm thời
Tổng thống Mali bổ nhiệm Thủ tướng lâm thời

Truyền hình nhà nước Mali ngày 27/9 đưa tin, Tổng thống Bah Ndaw đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Moctar Ouane làm Thủ tướng lâm thời nước này, một động thái có khả năng dẫn tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sau vụ đảo chính quân sự hồi tháng trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN