Theo phóng viên TTXVN tại New York, cập nhật tiến trình sửa đổi Hiến pháp, Đặc phái viên Pedersen thông tin về việc tổ chức vòng đàm phán thứ 6 trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp vào tuần 18-22/10 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ủy ban này đã tạm hoãn việc đàm phán trong 9 tháng vừa qua để trao đổi về phương pháp làm việc nhằm đạt kết quả thực chất. Với vai trò trung gian của LHQ, các đoàn đàm phán chính phủ, phe đối lập và đại diện phi chính phủ đã trao đổi về các nguyên tắc của Hiến pháp liên quan tới vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, khủng bố, và pháp quyền. Tuy nhiên, vòng đàm phán lần này không đạt kết quả cụ thể, các bên vẫn tiếp tục không đạt đồng thuận đối với một số nội dung quan trọng.
Về tình hình nhân đạo, Phó Tổng Thư ký Griffiths cho biết người dân Syria đang sống trong tình cảnh khó khăn do tình hình căng thẳng an ninh có dấu hiệu leo thang ở Tây Bắc Syria, tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế, mất an ninh nguồn nước và COVID-19. Đáng chú ý nhất là số lượng ca nhiễm COVID-19 đang tăng đột biến do biến thể Delta kể từ đầu tháng 8, có thời điểm tăng tới 170% chỉ trong 1 tháng. Trong khi đó, hiện tỷ lệ dân số được tiêm vaccine đầy đủ chỉ khoảng 1,6%. Phó Tổng thư ký LHQ cũng thông báo kế hoạch tăng cường vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo để chuẩn bị cho mùa Đông và việc các bên đang triển khai các kế hoạch hỗ trợ hồi phục hậu xung đột tại Syria.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại LHQ, khẳng định ủng hộ giải pháp chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, kêu gọi các bên đàm phán mang tính xây dựng cũng như thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. Đại sứ Phạm Hải Anh chia sẻ lo ngại về tình cảnh của người dân Syria trước bất ổn an ninh, khủng hoảng kinh tế và đặc biệt là diễn biến ngày càng phức tạp của COVID-19. Đại diện Việt Nam ủng hộ đẩy mạnh hợp tác nhằm duy trì các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cũng như tăng cường khả năng hồi phục sau khủng hoảng cho người dân Syria.