Theo tờ Business Insider, bên trên đám bùn lầy còn lại ven bờ sau khi đập Nova Kakhovka bị phá hủy là xác các tên lửa phòng không hiện đại mà Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay và nhiều vũ khí cũ hơn có từ Thế chiến II - khi các lực lượng Liên Xô và Đức Quốc xã đụng độ khắp Ukraine.
Ngày 11/6, Bộ Nội vụ Ukraine đã yêu cầu dân thường tránh xa hồ chứa đang rút đi khi khu vực này trở nên nguy hiểm vì có vật liệu chưa nổ. Bộ này nói: “Đặc biệt, đạn dược, kể cả từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, được tìm thấy ở các khu vực của Hồ chứa Kakhovka. Khu vực nước của hồ chứa bị ô nhiễm do các loại đạn dược. Vào ngày 10/6, các kỹ thuật viên chất nổ đã thực hiện 5 vụ nổ có kiểm soát”.
Ông Oleksandr Chechko, trưởng nhóm rà phá bom mìn Ukraine, nói: “Chúng tôi thường thu được xác của tên lửa S-300, mảnh vỡ của tên lửa Smerch và sau khi mực nước giảm, chúng tôi tìm thấy đạn dược từ Thế chiến thứ hai”.
S-300 là tên lửa đất đối không do Nga sản xuất và tên lửa Smerch là tên lửa hạng nặng được bắn từ bệ phóng di động.
Những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ xa xưa đang rình rập trong khu vực là một lời nhắc nhở về cuộc giao tranh ác liệt mà Ukraine đã chứng kiến trong Thế chiến II. Quyết tâm giành lại lãnh thổ cũ sau khi rơi vào tay quân Đức, 2,5 triệu Hồng quân Liên Xô đã đánh lui quân Đức Quốc xã trong Trận chiến Dneiper kéo dài gần 4 tháng.
Ngoài ra, một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những video và hình ảnh chưa được xác minh về những chiếc đầu lâu xuất hiện trong bùn lầy. Phóng viên Julian Borger của tờ The Guardian cho rằng các thi thể có thể là của binh lính Đức sau trận chiến năm 1943.
Sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, phía Nga và Ukraine vẫn đang đổ lỗi cho nhau gây ra sự cố này.
Ngày 11/6, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuyên bố các lực lượng Nga cho nổ tung con đập Nova Khakhovka là nhằm ngăn chặn binh sĩ Ukraine tiến quân tới khu vực phía Nam Kherson. Cơ quan an ninh nội địa Ukraine còn nói đã phát hiện một cuộc điện thoại chứng minh lực lượng Nga cho nổ nhà máy thủy điện và đập Nova Kakhovka. Trên trang Telegram, Cơ quan an ninh nội địa Ukraine đã đăng một đoạn ghi âm dài 1 phút rưỡi, được cho là cuộc trao đổi về việc Nga phá hủy đập Nova Kakhovka.
Về phần mình, ngày 8/6, Nga đã cáo buộc Ukraine tại Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc về hành vi phá hủy con đập Nova Kakhovka, đồng thời bác bỏ những cáo buộc của Ukraine rằng Nga chịu trách nhiệm cho những hành động này. Phát biểu tại ICJ ở La Haye, nhà ngoại giao Nga Alexander Shulgin nói: "Chính quyền Kiev không chỉ tiến hành các cuộc pháo kích quy mô lớn nhằm vào con đập Nova Kakhovka đêm 6/6, mà trước đó còn cố ý nâng mực nước của hồ chứa Kakhovka lên mức nguy hiểm".