Theo tờ Telegraph (Anh), giả thiết về nguyên nhân hình thành rất đa dạng, từ hoạt động của mối mọt đến thực vật bản địa độc hại, ô nhiễm khoáng chất phóng xạ...
Kênh CNN (Mỹ) cho biết trước đây, giới khoa học chỉ phát hiện vòng tròn thần tiên ở những vùng đất khô cằn thuộc sa mạc Namib ở Namibia và vùng hẻo lánh của Tây Australia. Nhưng một nghiên cứu mới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã ghi nhận vòng tròn thần tiên xuất hiện ở hàng trăm địa điểm khác trên khắp 15 quốc gia ở ba lục địa. Điều này có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về các vòng tròn thần tiên và sự hình thành trên quy mô toàn cầu.
Theo nội dung được công bố hôm 25/9 trên kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ dữ liệu chứa hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về vùng đất khô cằn hoặc hệ sinh thái khô cằn với lượng mưa ít từ khắp nơi trên thế giới.
Họ đã sử dụng "mạng lưới thần kinh" - một loại AI xử lý thông tin theo cách tương tự như não bộ - để tìm kiếm các mẫu giống như vòng tròn thần tiên. Tác giả chính của nghiên cứu, ông Emilio Guirado tại Viện nghiên cứu Môi trường liên ngành thuộc Đại học Alicante (Tây Ban Nha), cho biết: “Đây là lần đầu tiên sử dụng các hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo đối với hình ảnh vệ tinh để phát hiện các mô hình giống như vòng tròn thần tiên”.
Đầu tiên, các chuyên gia đã huấn luyện mạng lưới thần kinh nhận biết vòng tròn thần tiên bằng cách nhập hơn 15.000 hình ảnh vệ tinh được chụp ở Namibia và Australia. Một nửa số hình ảnh hiển thị những vòng tròn thần tiên, nửa còn lại thì không. Sau đó, các nhà khoa học đã cung cấp cho AI một tập dữ liệu với các chế độ xem vệ tinh của gần 575.000 lô đất trên khắp thế giới, mỗi lô có diện tích khoảng 1 ha.
"Mạng lưới thần kinh" quét thảm thực vật trong những hình ảnh đó và xác định các mẫu hình tròn lặp đi lặp lại giống với vòng tròn thần tiên, đánh giá kích thước và hình dạng của các vòng tròn cũng như vị trí, mật độ và sự phân bố của chúng.
Kết quả cho thấy 263 địa điểm khô cằn có mô hình tương tự như vòng tròn thần tiên ở Namibia và Australia. Những địa điểm này phân bố khắp châu Phi (khu cực Sahel, Tây Sahara và Sừng châu Phi), ngoài ra còn tập trung ở Madagascar và Trung Tây Á, cũng như miền Trung và Tây Nam Australia.
Các vòng tròn thần tiên có kích thước đường kính từ 3,6 m đến 34,7 m và bao gồm các mảng đất trống có cỏ bao quanh. Tiến sĩ Stephan Getzin tại Đại học Göttingen (Đức) cho biết một yếu tố khiến các vòng tròn thần tiên khác biệt với các loại khoảng trống thực vật khác là trật tự chặt chẽ giữa các vòng tròn. Ông Getzin lý giải: “Các vòng tròn thần tiên được xác định bởi thực tế là, về nguyên tắc, chúng có khả năng hình thành một mô hình 'theo chu kỳ không gian' trật tự hơn đáng kể so với các mô hình khác”.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy các mô hình giống như vòng tròn thần tiên đã giúp ổn định hệ sinh thái, tăng khả năng chống chịu của khu vực trước những xáo trộn như lũ lụt hoặc hạn hán nghiêm trọng.