Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu sau chuyến thị sát sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java, cùng Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Zainudin Amali, ông Basuki cho biết 7 khuyến nghị trên của Nhóm đánh giá kỹ thuật liên quan đến cầu thang khán đài, cửa sân vận động, lối thoát hiểm, ánh sáng, khu vệ sinh, hàng rào, và phần bên ngoài tòa nhà chính.
Trong đó có 3 khuyến nghị liên quan trực tiếp đến thảm kịch gồm sân vận động không có cầu thang trực tiếp dẫn đến chỗ ngồi của khán giả; bậc cầu thang cửa ra vào quá dốc và không có lối thoát hiểm cho khán giả trên khán đài mà chỉ có cửa dành cho nhân viên phục vụ.
Sau khi thông qua các khuyến nghị, PUPR sẽ thiết kế lại sân vận động Kanjuruhan trong vòng 3 - 4 tháng nhằm phục hồi tổng thể và ngăn chặn xảy ra các thảm kịch tương tự. Ông Basuki hy vọng rằng công tác cải tạo sẽ được bắt đầu vào năm 2023, trong đó có việc xây dựng đài tưởng niệm các nạn nhân.
Công tác đánh giá kỹ thuật sân vận động Kanjuruhan do Ủy ban đánh giá công trình (KKBG) tiến hành, với sự tham gia của các chuyên gia về kết cấu tòa nhà, kiến trúc, cơ khí, điện, nước, cũng như các chuyên gia giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn và đại diện các cơ quan chính phủ.
Vụ giẫm đạp và bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan là một trong những vụ bạo lực sân cỏ nghiêm trọng nhất trên thế giới. Vụ việc xảy ra sau khi trận đấu giữa 2 câu lạc bộ Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10. Do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải bắn hơi cay vào cả đám đông trên sân lẫn trên khán đài để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.
Nhóm điều tra độc lập nói trên được thành lập vào ngày 3/10. Tiếp đó, ngày 6/10, Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Listyo Sigit Prabowo cho biết 6 người - gồm 3 cảnh sát và 3 thành viên câu lạc bộ bóng đá Arema FC - đã bị buộc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và có thể đối mặt với mức án phạt tù cao nhất 5 năm.