Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sau khi phát hiện vị trí tàu Kazu I ở độ sâu khoảng 120m gần gần mũi bán đảo Shiretoko, lực lượng tìm kiếm đã cố gắng sử dụng các thiết bị chuyên dụng để quan sát bên trong tàu. Tuy nhiên, do thủy triều lên nhanh, thời tiết xấu, tầm nhìn kém nên công tác tiếp cận bằng kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, với độ sâu này, rất khó để các thợ lặn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản có thể tiếp cận con tàu do chỉ lặn được tối đa 60 mét.
Vì vậy, ngày 2/5, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản quyết định ký với một công ty tư nhân hợp đồng trị giá 877 triệu yen (khoảng 6,7 triệu USD) để tiếp cận trực tiếp con tàu với phương pháp “lặn bão hòa”. Đây là phương pháp đặc biệt cho phép thợ lặn thích nghi với áp suất cao ở độ sâu hơn 100 mét dưới đáy biển mà không ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo thông tin từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm cứu hộ dưới đáy biển, phương án trục vớt con tàu cũng đang được xem xét đến.
Trong một diễn biến liên quan điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, chiều 2/5, cơ quan điều tra thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã tiến hành khám xét văn phòng Công ty du lịch tàu biển Shiretoko, đơn vị chịu trách nhiệm vận hành tàu Kazu I, nhà riêng của Giám đốc Công ty Seiichi Katsura cũng như của thuyền trưởng Noriyuki Toyoda.
Theo cơ quan điều tra, việc khám xét nhằm tìm kiếm các bằng chứng liên quan trước nghi vấn cho rằng việc thiếu trách nhiệm về nghiệp vụ của công ty vận hành tàu Kazu I đã dẫn tới tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tàu Kazu I, nặng 19 tấn, mất liên lạc với đất liền từ hôm 23/4 khi đang di chuyển trên vùng biển ngoài khơi mũi phía Đông Bắc của Hokkaido để đến bán đảo Shiretoko. Mặc dù đã phát hiện được tàu Kazu I nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy 12 trong tổng số 26 nạn nhân, trong khi có dấu hiệu cho thấy một số bị mắc kẹt bên trong con tàu này.