Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, luật sư của bà Mạnh Vãn Châu, ông Richard Peck, cho rằng cảnh sát Yep đã không trung thực khi giải thích lý do không bắt giữ ngay lập tức vị CFO này tại sân bay quốc tế Vancouver hai năm trước theo lệnh. Việc bắt giữ được tiến hành sau khi các nhân viên của Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã thẩm vấn bà Mạnh Vãn Châu trong 3 giờ đồng hồ.
Tại tòa, cảnh sát Yep khai báo các nhân viên của Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) băn khoăn về điều kiện nhập cảnh của bà Mạnh Vãn Châu. Vì không muốn xâm phạm đến thẩm quyền của CBSA, nên ông đã đồng ý để các nhân viên của cơ quan này thẩm vấn nữ doanh nhân này trước khi thực hiện lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, luật sư Peck và nhóm luật sư của CFO Huawei cho rằng đây thực chất là một sự trì hoãn đã được lên kế hoạch để các nhân viên an ninh có thời gian thẩm vấn bà Mạnh Vãn Châu.
Cảnh sát Yep là nhân chứng đầu tiên trong một loạt nhân chứng ra đối chất tại vòng tranh tụng lần này (dự kiến kéo đến ngày 30/10). Đội ngũ luật sư biện hộ cho bà Mạnh đang nỗ lực thu thập bằng chứng chứng minh thân chủ của họ bị đối xử không công bằng.
Trước đó, vào tháng 8/2013, Mỹ cáo buộc CFO Huawei đã lừa gạt ngân hàng HSBC về mối quan hệ của tập đoàn này với Skycom – công ty bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Mỹ cho rằng Skycom thực chất là một công ty con của Huawei và rằng HSBC cũng như các ngân hàng khác rơi vào thế rủi ro, có nguy cơ bị truy tố và tổn thất về tài chính nếu tiếp tục cung cấp tài chính cho Huawei dựa trên những lời đảm bảo của nữ CFO này. Tuy nhiên, bà đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng bà để “mặc cả” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Vụ Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo đề nghị của Mỹ là yếu tố khiến mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và chưa có dấu hiệu vãn hồi. Ngoại trưởng Canada François-Phillippe Champagne mới đây cho biết Ottawa đang xây dựng cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, đồng thời đứng thứ ba trong danh sách các nước đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại quốc gia Bắc Mỹ này.