Theo Bộ Ngoại giao Nga, London đã che giấu những tình tiết then chốt trong điều tra vụ việc ngay cả đối với chính người dân Anh, ví dụ như số lượng nạn nhân, cho đây là hành động gây ra nhiều nghi ngờ.
Cựu điệp viên Sergei Skripal trong phiên xét xử tại tòa án quân sự ở Moskva ngày 9/8/2006. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nếu London không đưa ra được bằng chứng khác, Moskva sẽ coi vụ Skripal là vụ tấn công đe dọa tính mạng công dân Nga để khiêu khích chính trị. Bộ này cũng cho rằng Anh có trách nhiệm xác minh vụ viêc này, chứ không phải Nga như các yêu cầu trước đó của London. Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích chiến dịch chống Nga mà London khởi xướng trên thế giới hiện nay chỉ nhằm để tạo nên giả định về lỗi của Nga. Theo Bộ Ngoại giao Nga, hành động của London cho thấy họ có quan điểm phản đối hợp tác chính trị-ngoại giao trong xem xét khách quan và toàn diện vụ cựu điệp viên Skripal.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko tuyên bố Nga sẽ tiếp tục yêu cầu bằng chứng và sự thật trong vụ Skripal. Ngoài ra, theo bà Matvienko, Moskva cũng sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng về số lượng đối với việc hàng loạt các nước trục xuất các nhà ngoại giao của Nga.
Bình luận về việc London đưa ra tài liệu được cho để chứng minh sự liên quan của Nga, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) Sergey Zhelezniak gọi đây là hành động “tự lật mặt mình” của London. Nghị sĩ này chỉ ra rằng tài liệu không đưa ra bằng chứng nào ngoài những cáo buộc “suông” đối với Moskva, qua đó chứng tỏ London muốn đánh tráo điều tra và công lý bằng “vận động chính trị và kéo bè chống Nga".
Cũng trong ngày 28/3, Luxembourg đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Moskva để tham vấn về vụ việc nêu trên. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselson chỉ trích vụ tấn công và thể hiện quan điểm nhất quán của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Nga chịu trách nhiệm cho vụ việc. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Luxembourg khẳng định nước này sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao Nga, bởi họ không tạo ra bất cứ mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Luxembourg. Cho đến nay, đã có gần 150 nhà ngoại giao Nga tại 26 nước nhận thông báo bị trục xuất về nước do tác động của vụ việc trên.
Trong khi đó, phía Mỹ kêu gọi thiết lập một cơ chế chung để điều tra các vụ việc như trường hợp cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại Anh. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang giữa phương Tây với Nga liên quan vụ việc này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh Washington muốn sớm kết thúc cuộc điều tra do Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tiến hành. Anh đã mời các chuyên gia OPCW đến nước này để thu thập và phân tích các mẫu thử trong vụ đầu độc trên. Theo bà Nauert, Mỹ cũng đồng thời hy vọng rằng Nga sẽ nhất chí tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về một cơ chế giống như cơ chế điều tra chung để tìm ra nguyên nhân vụ cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bị đầu độc.