Theo kênh CNN, trong một tuyên bố, chủ tàu Hankuk Chemi là công ty DM Shipping cho biết thủy thủ đoàn của tàu đã nhận được tín hiệu cảnh báo từ 10 tới 20 phút từ giới chức Iran. Sau đó, các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã lên tàu.
Công ty cho biết liên lạc với tàu chở dầu này sau đó đã bị cắt đứt ngay sau khi tàu bị bắt giữ. Theo tuyên bố, công ty DM Shipping đang liên lạc với Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Tehran và hy vọng có thêm thông tin.
Công ty này nói thêm rằng đã đề nghị bên bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu điều tra vụ bắt giữ. Đơn vị bảo hiểm sẽ cử điều tra viên tới Iran để kiểm tra tình trạng an toàn của thủy thủ đoàn và kiểm tra tuyên bố của Iran rằng tàu bị bắt vì gây ô nhiễm môi trường.
Sau vụ bắt giữ tàu chở dầu, phát ngôn viên Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết cách đây hai năm, Hàn Quốc đã đóng băng 7 tỷ USD tiền của Iran trong ngân hàng ở nước này. Ông Ali Rabiei nói trên truyền hình nhà nước: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Hàn Quốc sẽ ngừng phong tỏa số tiền trên càng sớm càng tốt”.
Do đó, theo tờ Sky News, việc tàu chở dầu gây ô nhiễm chỉ là lý do và động cơ thực sự là muốn phản ứng khi 7 tỷ USD tiền của Chính phủ Iran bị đóng băng ở Hàn Quốc. Tehran cho biết mình cần số tiền này để mua trang thiết bị và vaccine nhằm đối phó với COVID-19. Thuốc không nằm trong danh sách bị trừng phạt và trong những tháng gần đây, Iran đã tìm cách thuyết phục Hàn Quốc chấm dứt đóng băng số tiền trên, nhưng không thành công.
Trong số 20 người trên tàu Hankuk Chemi, có 5 thủy thủ quốc tịch Hàn Quốc. Đại sứ Iran tại Hàn Quốc thông báo với Chính phủ Hàn Quốc rằng các thủy thủ trên tàu đều an toàn.
Hàn Quốc đã phái Đơn vị Cheonghae, đơn vị chống cướp biển, tới Eo biển Hormuz sau vụ bắt giữ tàu chở dầu. Đơn vị này gồm các lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc, tới eo biển ngày 5/1 trên tàu khu trục Choi Yong.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xác minh các sự việc liên quan đến vụ việc để xem liệu động thái này của Tehran có dựa trên cơ sở hợp pháp hay không. Trong báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đang xác minh về việc con tàu này đang đi trong vùng biển quốc tế hay vùng lãnh hải của Iran.
Một ngày sau khi Iran tạm giữ tàu chở dầu của Hàn Quốc, ngày 5/1, ông Koh Kyung-sok, Vụ trưởng Vụ Vấn đề Trung Đông và châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gặp ông Saeed Badamchi Shabestari, Đại sứ Iran tại Hàn Quốc, để thảo luận vấn đề trên. Hai bên vẫn chia sẻ quan điểm vấn đề này cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Căng thẳng ở Vịnh Ba Tư đã gia tăng trong tuần qua quanh thời điểm một năm ngày mất của Tướng Iran Qasem Soleimani.
Mỹ đã đều máy bay ném bom B-52 tới khu vực. Ngày 3/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho tàu sân bay USS Nimitz ở lại khu vực này thay vì về như dự kiến.
Phía Hàn Quốc và Iran đang liên hệ chặt chẽ để tìm cách thả các thủy thủ và con tàu. Hiện không có thông tin nào cho thấy Đơn vị Cheonghae sẽ thực hiện chiến dịch giải cứu. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ đề nghị các tàu Hàn Quốc khác giữ an toàn trong khu vực.