Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển sẽ đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong “vùng nguy hiểm” vì biến đổi khí hậu nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Biến đổi khí hậu đã phá vỡ các quy luật, gây khó khăn cho công tác dự báo của ngành thủy văn.
Với chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới (23/3) năm nay là “Cảnh báo sớm để hành động sớm”, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) muốn nêu bật tầm quan trọng của việc triển khai các hệ thống cảnh báo sớm như một vũ khí hữu hiệu giúp các nước ứng phó kịp thời với thảm họa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Trải qua nhiều đợt thiên tai, thảm họa, nhiều quốc gia đã dần ý thức được vai trò quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm, đặc biệt sau thảm họa động đất sóng thần Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004, khi một trận động đất có độ lớn 9,1 độ xảy ra ngoài khơi Indonesia, tạo ra một cơn sóng thần cao tới 17,4 m tàn phá tỉnh Aceh ở phía Bắc đảo Sumatra của nước này, khiến hàng chục ngôi làng bị xóa sổ. Sóng thần sau đó đã càn quét toàn bộ bờ biển của Vịnh Bengal, tàn phá bờ biển của Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ, khiến hơn 230.000 người thiệt mạng tại 14 quốc gia. Đây bị coi là một trong những thảm họa thiên tai tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại. Nhiều nhà phân tích cho rằng hậu quả đáng lẽ sẽ không tàn khốc như vậy, nếu như có một hệ thống cảnh báo sớm giúp người dân nắm được tình hình và nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.
Chỉ vài tuần sau thảm họa, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã thành lập Nhóm điều phối liên chính phủ (ICG) với sự tham gia của 28 quốc gia, chịu trách nhiệm điều hành và thiết lập Hệ thống Cảnh báo và giảm nhẹ sóng thần Ấn Độ Dương (IOTWMS), với cơ chế hoạt động tương tự như hệ thống đang vận hành tại Thái Bình Dương kể từ năm 1965. Ngoài ra, còn hai hệ thống cảnh báo nữa ở Địa Trung Hải và vùng Caribe nhằm đảm bảo toàn bộ các vùng biển đều được giám sát an toàn. Nhiều quốc gia trong khu vực như Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan cũng dần tự hoàn thiện các hệ thống cảnh báo quốc gia và lập trung tâm sơ tán phòng khi thảm họa xảy ra.
Sau nhiều năm hợp tác phát triển, IOTWMS chính thức đi vào hoạt động năm 2011 và vận hành đầy đủ vào tháng 3/2013. Hệ thống gồm 101 thiết bị đo mực nước biển, 148 máy đo địa chấn và 9 phao, kết nối với vệ tinh, có thể gửi báo động đến 3 Trung tâm Cảnh báo sóng thần (TPS) của khu vực tại Australia, Ấn Độ và Indonesia, từ đó chuyển thông điệp cảnh báo tới các nước liên quan trong chưa đầy 10 phút. Qua thời gian, các cuộc điều tra hậu sóng thần đã giúp nâng cao hiểu biết của các nhà khoa học về hiện tượng này, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Giờ đây, các nhà khoa học có thể dự báo tần suất sóng thần và cách thức di chuyển của các đợt sóng tới bờ biển. Để đảm bảo kết nối, hệ thống IOTWMS cũng thường xuyên được kiểm tra mạng lưới liên lạc, kết nối thông tin từ TSP tới các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia qua email, SMS và fax với tần suất 2 lần/năm. Thông qua việc chuyển tiếp thông tin nhanh chóng và thực hiện quy trình cảnh báo khẩn cấp hiệu quả, hệ thống IOTWMS đã giúp giảm bớt đáng kể thiệt hại sóng thần gây ra, giúp khu vực Ấn Độ Dương trở nên an toàn hơn.
So với nhiều khu vực, IOTWMS vẫn đang đi đầu trong việc phát đi cảnh báo sóng thần. Do thảm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào, hệ thống phải luôn duy trì hoạt động, tăng cường giám sát, phát hiện nguy cơ từ mọi nguồn, cung cấp cảnh báo kịp thời. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động 24/7 thực sự là một thách thức lớn khi ngân sách đang ngày càng giảm. Bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ lớn từ Australia, Ấn Độ và Indonesia khi hệ thống mới thành lập, thì ngân sách đóng góp trực tiếp từ các nước liên quan đã giảm từ 9 triệu USD trong giai đoạn 2005-2006 xuống còn dưới 1 triệu USD năm 2013-2014, trong khi chi phí vận hành hệ thống mỗi năm vào khoảng 50 -100 triệu USD.
Mặc dù các nước Ấn Độ Dương đã chuẩn bị ứng phó tốt hơn với thảm họa, hệ thống có thể vận hành tốt ở cấp độ quốc gia và khu vực, song các nước thành viên IOC cho rằng vẫn cần phải đảm bảo hệ thống có thể truyền thông tin tới những người dân ở vùng xa xôi. Nhiệm vụ này cần có sự góp sức lớn của truyền thông, giúp chuyển đi thông điệp chính xác tới người dân. Bên cạnh đó, cơ chế cảnh báo này chỉ thực sự hữu ích khi người dân biết cách xử lý tình huống. Do đó, cộng đồng sinh sống vùng duyên hải cũng cần nâng cao nhận thức về rủi ro thảm họa, thường xuyên diễn tập, luôn sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Kể từ năm 2009, các cuộc diễn tập ứng phó thảm họa sóng thần IOWave diễn ra đều đặn 2 năm/lần với sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực. Dù cảnh báo có thể được đưa trong vài phút, song người dân cũng cần nắm được những dấu hiệu tự nhiên rõ ràng nhất của sóng thần là động đất hay nước biển rút nhanh để lập tức sơ tán tới vùng cao.
Xét trên quy mô toàn cầu, phần lớn các quốc gia vẫn thiếu dữ liệu về độ sâu của vùng nước và địa hình để hoàn thiện nghiên cứu chi tiết về nguy cơ lụt lội, từ đó đề ra biện pháp ứng phó khẩn cấp và kế hoạch sơ tán khi cần thiết. Mặc dù đã có lượng lớn dữ liệu về địa chấn và mực nước biển giúp phát hiện sóng thần, song vẫn còn một số lỗ hổng khiến dữ liệu đôi lúc không cung cấp kịp thời cho các trung tâm cảnh báo, việc duy trì trao đổi dữ liệu quan sát giữa các nước láng giềng trong khu vực vẫn là một thách thức.
Theo cựu Tổng Giám đốc UNESCO Kochiro Matsuura, hệ thống này sẽ không phát huy được hiệu quả nếu không có sự điều phối giữa các nước để trao đổi số liệu một cách công khai và vận hành phối hợp toàn bộ các hệ thống cảnh báo quốc gia. Trong 5-10 năm tới, hệ thống IOTWMS vẫn cần tiếp tục cải tiến mô hình dự báo và nâng cấp các công nghệ như Hệ thống Vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) và radar tần số cao nhằm giúp cảnh báo sóng thần hiệu quả hơn.
Một hạn chế nữa là hệ thống này gặp khó khăn trong việc dự đoán chính xác quy mô thảm họa cho những cư dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao như các điểm nóng về hoạt động địa chất, hay nơi giao nhau của các mảng kiến tạo. Cả trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 và tại Nhật Bản năm 2011 đều xảy ra ở những nơi gần “Vành đai lửa”. Để có thể dự báo chính xác, các chuyên gia cho rằng cần xem xét những bằng chứng về địa chất trong các lớp trầm tích, rạn san hô để thiết lập các cột mốc thời gian của các trận sóng thần trong quá khứ, từ đó dự đoán được khu vực nào nhiều khả năng xảy ra sóng thần và quy mô thảm họa. Nếu lập được một bản đồ những nơi có nguy cơ cao như vậy, chính phủ các nước có thể tập trung được nguồn lực cho những khu vực dễ bị tổn thương.
Trong thảm họa động đất gây sóng thần hồi năm 2011 cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người, Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo sóng thần chỉ trong vòng 3 phút, nhưng do thiếu dữ liệu lịch sử, nhà chức trách đã hạ thấp quy mô của động đất cũng như sóng thần, khi dự báo sóng thần chỉ cao từ 3-6 m, trong khi con số thực tế phải gấp 2-3 lần. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cảnh báo với các thiết cảm biến và đo lường tối tân giúp cảnh báo trong vòng 3 phút kể từ khi sóng thần hình thành, Nhật Bản còn lập các bản đồ dự báo những nơi có nguy cơ cao đối mặt với thảm họa này.
Dù công nghệ vẫn còn hạn chế, đòi hỏi nâng cấp để có thể ứng phó với những hiện tượng thời tiết ngày một khắc nghiệt, cực đoan và bất thường do biến đổi khí hậu, song các hệ thống cảnh báo tại Ấn Độ Dương và Nhật Bản là những minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm trong công tác dự báo và cảnh báo thảm họa. Trong thông điệp nhân Ngày Khí tượng thế giới, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh chìa khóa giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân trước sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và các hiểm họa liên quan tới nước chính là đảm bảo rằng các thông tin cảnh báo sớm có thể đến với nhóm những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cung cấp những thông tin cảnh báo sớm nhất trên khắp thế giới tới người dân.