Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Giám đốc IRCS Pirhossein Koolivand cho biết tổ chức này đang chuyển thi thể các nạn nhân đến khu vực Tabriz, Tây Bắc Iran.
Cùng ngày, Nội các Iran tuyên bố chính phủ nước này sẽ tiếp tục hoạt động mà "không có sự gián đoạn dù là nhỏ nhất" sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng. Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber dự kiến sẽ đảm nhận chức Tổng thống sau khi ông Raisi thiệt mạng và Iran sắp chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử sớm.
Theo Hiến pháp Iran, Phó tổng thống thứ nhất sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo trong trường hợp Tổng thống qua đời, bị sa thải, từ chức, vắng mặt hoặc mắc bệnh trong hơn 2 tháng. Việc bổ nhiệm tạm thời ông Mokhber vẫn cần được lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thông qua. Cuộc bầu cử Tổng thống để chọn người kế nhiệm sẽ được tổ chức trong 50 ngày.
Sau khi Iran xác nhận Tổng thống Raisi cùng một số quan chức nước này đã thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng, các nước đã lên tiếng chia buồn về vụ việc và bày tỏ tinh thần đoàn kết với Iran.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ bàng hoàng trước thông tin trên và gửi lời chia buồn với người dân và chính quyền Iran. Ông khẳng định Ấn Độ đoàn kết với Iran trong thời khắc đau buồn này.
Về phần mình, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố nước này sẽ để tang một ngày. Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Shehbaz viết: “Pakistan sẽ tổ chức một ngày để tang và treo cờ rủ để bày tỏ sự kính trọng đối với Tổng thống Raisi và những người đồng hành của ông cũng như thể hiện tình đoàn kết với Iran. Tôi cùng với chính phủ và người dân Pakistan gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất tới đất nước Iran về sự mất mát to lớn này”.
Cùng ngày, chính quyền Liban cũng tuyên bố bắt đầu quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ Tổng thống Iran và đoàn tùy tùng, trong đó có Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian.
Tương tự, lãnh đạo các nước Malaysia, Sri Lanka, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Syria,... cũng gửi thông điệp chia buồn trước sự ra đi của nhà lãnh đạo Iran.