Khi Israel và Mỹ hợp lực cách đây 15 năm để thực hiện cuộc tấn công mạng xác định một kỷ nguyên xung đột mới – một nỗ lực hết sức khéo léo nhằm cài mã độc vào các nhà máy làm giàu hạt nhân của Iran, khiến chúng vượt khỏi tầm kiểm soát – hoạt động này đã được các luật sư và nhà hoạch định chính sách xem xét lại, nhằm giảm thiểu rủi ro cho dân thường. Hai nước đồng minh quyết định tiến hành cuộc tấn công kiểu đó vì thiết bị mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất.
Giờ đây, hành động phá hoại bị nghi do Israel thực hiện, đối với hàng trăm hoặc hàng nghìn máy nhắn tin, bộ đàm và các thiết bị không dây khác được Hezbollah sử dụng, đã đưa “nghệ thuật” phá hoại điện tử lên một tầm cao mới và đáng sợ hơn. Lần này, các thiết bị mục tiêu được cất trong túi quần, trên thắt lưng, trong nhà bếp. Các thiết bị liên lạc thông thường được biến thành những quả lựu đạn thu nhỏ.
Và trong khi mục tiêu là các tay súng Hezbollah thì nạn nhân có thể là bất kỳ ai đứng xung quanh, kể cả trẻ em. Chính quyền Liban cho biết 12 người thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương trong vụ tấn công hôm 17/9. Một ngày sau, thêm ít nhất 20 người thiệt mạng và 450 người bị thương trong đợt tấn công thứ hai khiến loạt máy bộ đàm và các thiết bị khác phát nổ.
Giờ đây, có lý do để lo sợ cuộc tấn công tiếp theo vào các tay súng Hezbollah rồi sẽ đi đến đâu, bởi khi một ngưỡng mới đã bị vượt qua, hành động phá hoại có thể rơi vào bất kỳ ai.
Tất nhiên, việc phá hoại điện thoại hoặc cài bom không có gì mới: Những kẻ khủng bố và các cơ quan tình báo đã làm điều đó trong nhiều thập kỷ. Điều làm nên sự khác biệt này là quy mô lớn, việc cấy chất nổ vào rất nhiều thiết bị cùng một lúc. Việc phá hoại như vậy rất khó thành công vì nó đòi hỏi phải thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng.
Cảm giác dễ bị tổn thương của chúng ta về việc các thiết bị hàng ngày được kết nối với Internet có thể trở thành vũ khí chết người có thể chỉ mới bắt đầu.
“Đây có thể là cái nhìn thoáng qua đầu tiên và đáng sợ về một thế giới mà cuối cùng không có thiết bị điện tử nào, từ điện thoại di động đến máy điều hòa, có thể được tin cậy hoàn toàn”, Glenn Gerstell, từng là cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ trong 5 năm, cho biết. Ông nói: “Các thiết bị cá nhân và gia đình khác có thể là thiết bị tiếp theo"
Theo các nhà phân tích, loạt vụ nổ ở Liban có rất ít mục đích chiến lược. Một nhà ngoại giao phương Tây có kinh nghiệm lâu năm về Trung Đông cho biết, chúng khó có thể buộc các nhà lãnh đạo của Hezbollah từ bỏ lý tưởng mà họ đã đấu tranh suốt 4 thập kỷ. Trong phát biểu đầu tiên kể từ cuộc tấn công, thủ lĩnh Hezbollah hứa sẽ trả đũa Israel.
Tác dụng chính của chúng là tâm lý. Cũng giống như việc giám sát toàn diện khiến mọi người đặt câu hỏi ai có thể truy cập vào những chiếc điện thoại hiện chứa đựng thông tin chi tiết và bí mật về cuộc sống của một người - hình ảnh, tin nhắn văn bản, số thẻ tín dụng - hành vi phá hoại đó khiến mọi người lo sợ rằng các thiết bị thông thường có thể trở thành nguồn tức thời gây sát thương.
Nó cũng làm gián đoạn liên lạc, dẫn đến suy đoán rằng các cuộc tấn công có thể là màn mở đầu cho một cuộc tấn công rộng lớn hơn của Israel.
Việc khiến các tay súng và lãnh đạo Hezbollah sợ hãi khi cầm các thiết bị không dây của họ sẽ mang lại một lợi thế to lớn, nếu chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, cho đến nay, mối đe dọa về một tấn công rộng hơn từ Israel vẫn chưa thành hiện thực.
Có rất nhiều giả thuyết về cách chất nổ được đặt trong thiết bị. Theo kịch bản dễ xảy ra nhất, các đặc vụ Israel đã tẩm chất nổ vào pin khi thiết bị được sản xuất bởi một công ty bình phong ở Budapest được cấp phép công nghệ máy nhắn tin lỗi thời từ một công ty Đài Loan/Trung Quốc. Giả thiết khác cho rằng các thiết bị này có thể đã được sửa đổi vào một thời điểm nào đó trong quá trình sản xuất và phân phối cho các thủ lĩnh và chiến binh Hezbollah.
Dù bằng cách phá hoại nào thì kết quả đều như nhau: Chỉ cần vài gam chất nổ giấu trong máy nhắn tin và bộ đàm cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng, vượt xa loại thiệt hại có thể gây ra nếu pin của thiết bị quá nóng và bốc cháy.
Việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng để phá hoại cũng không phải là mới mẻ. Hơn một thập kỷ trước, các quan chức Mỹ đã chặn các nguồn cung cấp năng lượng hướng tới Iran để làm cho máy ly tâm hạt nhân của nước này quay – trước nghi ngờ của phương Tây rằng khả năng sản xuất nhiên liệu của nước này có thể được chuyển hướng sang các dự án vũ khí.
Giới chức Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng đã ngăn chặn việc nhập khẩu các máy phát điện khổng lồ do Trung Quốc sản xuất mà họ tin rằng có thể được thay đổi để chèn một "công tắc tiêu diệt", được kích hoạt từ bên ngoài đất nước.
Tuy nhiên, bằng chứng ban đầu cho thấy những kỹ thuật như vậy có thể mang lại lợi thế về mặt chiến thuật nhưng lại có ít tác dụng về mặt chiến lược. Ngay cả các cuộc tấn công mạng của Mỹ - Israel vào các máy ly tâm ở Iran - một hoạt động tốn kém, có mật danh là "Olympic Games” - cũng chỉ khiến chương trình của Iran bị lùi lại chỉ một năm hoặc 18 tháng. Cuối cùng Tehran đã đưa chương trình đi sâu hơn vào hoạt động ngầm.
Nhưng các vụ phá hoại như tấn công vào máy ly tâm hoặc vào lưới điện lại nhắm vào cơ sở hạ tầng lớn chứ không phải các thiết bị cầm tay. Và do đó, các cuộc tấn công ở Liban có thể báo trước một bước tiến mới đáng sợ hơn nhiều trong hoạt động phá hoại.