Đêm 3/7, Tổng thống Bôlivia Evo Morales cuối cùng đã đáp xuống sân bay La Paz sau một chuyến bay “bão táp”. Chiếc phi cơ chở ông Morales trên đường trở về nước sau cuộc công cán tại Nga đã bị một số nước châu Âu, bao gồm Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chặn lại không cho tiến vào không phận để quá cảnh hoặc tiếp nhiên liệu, buộc ông phải hạ cánh khẩn cấp tại Áo.
Tổng thống Bôlivia họp cùng các lãnh đạo cánh tả Mỹ Latinh ngày 4/7 sau vụ máy bay của ông bị các nước châu Âu đóng cửa không phận. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lý do các nước đưa ra là họ nghi ngờ người tiết lộ thông tin tình báo bí mật của Mỹ, Edward Snowden, có mặt trên máy bay của Tổng thống Bôlivia. Nói cách khác, các nước này nghi ngờ Tổng thống Morales muốn đưa Snowden - người đang bị Mỹ truy nã - về Bôlivia.
Bôlivia và các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh đã có phản ứng dữ dội trước hành động đóng cửa không phận nói trên, cho rằng việc này là "làm nhục, xúc phạm và thiếu tôn trọng". Tổng thống Morales cho rằng đó là “một sai lầm mang tính lịch sử và là một sự khiêu khích” đối với Bôlivia cũng như toàn khu vực Mỹ Latinh. Ông giận dữ nói: “Đây giống như một vụ bắt cóc... Đây là âm mưu của Mỹ nhằm làm bẽ mặt tôi cũng như các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh khác”, đồng thời cảnh báo về khả năng đóng cửa sứ quán Mỹ tại Bôlivia vì theo ông, chính Mỹ đã gây sức ép đòi các nước châu Âu từ chối cho máy bay của ông bay qua không phận của các nước này. Ngày 4/7, Tổng thống Êcuađo Rafael Correa cho biết ông và các nhà lãnh đạo khác hoàn toàn ủng hộ ông Morales.
Tổng thống Morales cho biết ông sẽ xem xét đề nghị của một số tổ chức xã hội Bôlivia về việc đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Pát. Ông Morales nói: "Chúng tôi đã nhận được một số bức điện (của một số tổ chức xã hội) và tất nhiên là chúng tôi sẽ xem xét và nếu thấy cần thiết sẽ đóng cửa Đại sứ quán Mỹ mà không run tay". |
Cùng ngày, Tổng thống Côlômbia Juan Manuel Santos cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Morales nhưng đề nghị các nhà lãnh đạo khác bình tĩnh và tránh gây ra một cuộc tranh cãi ngày càng leo thang giữa Mỹ Latinh và Liên minh châu Âu.
Do bị các nước nói trên đóng cửa không phận, máy bay của ông Morales đã buộc phải hạ cánh tại Viên (Áo) và đã bị các lực lượng đặc trách của Áo lục soát. Tại thủ đô Bôlivia, nhiều người đã tập hợp biểu tình phản đối trước đại sứ quán của Pháp và đã đốt cờ Pháp. Nhiều nghị sỹ quốc hội Bôlivia còn yêu cầu trục xuất các đại sứ của Pháp, Italia và Bồ Đào Nha. Pháp đã gửi lời xin lỗi đến chính phủ Bôlivia, tuy nhiên, ông Morales cho rằng "xin lỗi là không đủ".
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là vì sao lại có ít nước đón nhận Snowden? Theo báo Libération, đó là vì nước nào cũng sợ sẽ phải chịu “những đòn sấm sét” của Mỹ. Có nghị sĩ EU còn làm "mát lòng" Mỹ đến mức trong cuộc họp Nghị viện châu Âu vừa qua đã lớn tiếng gọi Snowden là “kẻ phản bội”. Lời lẽ này cho thấy rõ ràng nhất quan điểm của các nước châu Âu, đồng thời bình luận một cách chua chát: "Snowden đã tiết lộ thông tin về việc Mỹ lén theo dõi châu Âu, thế mà châu Âu lại gây khó khăn cho anh ta chỉ vì không đủ can đảm làm cho Mỹ cáu giận".
Thực ra, lập trường của EU cũng không thống nhất. Các nghị sĩ đảng Xã hội và đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu đã đề nghị mở cuộc điều tra về hồ sơ gián điệp của Mỹ và kêu gọi các nước châu Âu chấp nhận cho Snowden tị nạn. Trong một bản thông cáo, đảng Cánh tả Pháp chỉ trích: “Chính phủ Pháp đã phạm một sai lầm nặng nề về chính trị và ngoại giao, một sai lầm làm mất uy tín của nước Pháp”.
TTK