Đơn kiện công ty SVB Financial Group và hai cá nhân trên được đại diện cổ đông là ông Chandra Vanipenta nộp lên Tòa án Liên bang ở Bắc California, đòi bồi thường cho những người đầu tư vào SVB từ ngày 16/6/2021-10/3/2023, nhưng không nói rõ yêu cầu bồi thường bao nhiêu. Trong đơn, họ cáo buộc SVB không đưa đầy đủ những cảnh báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất vào các báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm.
Cụ thể, các cổ đông cho biết báo cáo thường niên từ năm 2020-2022 đã “đánh giá thấp rủi ro cho công ty vì không công bố việc Fed tăng lãi suất có thể gây thiệt hại không thể sửa chữa cho công ty”. Ngoài ra, công ty cũng “không công bố rằng nếu những khoản đầu tư của họ bị ảnh hưởng tiêu cực do lãi suất tăng, rất có thể khách hàng sẽ đổ xô tới rút tiền".
SVB, một trong những ngân hàng lớn nhất vùng Silicon Valley và lớn thứ 16 ở Mỹ, đã sụp đổ hôm 10/3 chỉ trong vòng 48 tiếng sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền do lo lắng về tình hình tài chính của ngân hàng này. Chỉ riêng ngày 9/3, khách hàng đã rút tổng cộng 42 tỷ USD. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WM) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Hiện hàng tỷ USD của nhiều công ty và nhà đầu tư vẫn còn mắc kẹt ở SVB.
SVB chủ yếu phục vụ nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp (start-up). Việc ngân hàng này sụp đổ đã làm rúng động ngành công nghệ, đồng thời gây lo lắng cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như những người gửi tiền vào SVB. Cuối tuần qua, Chính phủ Mỹ tuyên bố bảo đảm cho tất cả tiền gửi ở SVB nhằm giúp khách hàng an tâm phần nào.