Theo tuyên bố của Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, hiện đã xác định được nguyên nhân cũng như những người chịu trách nhiệm về vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại Balasore (thuộc bang Odisha, miền Đông nước này) tối 2/6, khiến gần 300 người thiệt mạng và trên 1.000 người bị thương. Bộ trưởng Ashwini cho biết nguyên nhân của vụ tai nạn là do sự thay đổi trong quá trình khóa liên động điện tử. Thuật ngữ kỹ thuật này đề cập đến một hệ thống tín hiệu phức tạp sắp xếp chuyển động của các đoàn tàu trên đường ray để ngăn các vụ va chạm.
Trên thực tế, Ấn Độ đã chi nhiều khoản tiền lớn trong những năm gần đây để nâng cấp mạng lưới đường sắt, vận hành các chuyến tàu tốc hành, xây dựng các nhà ga hiện đại, lắp đặt đường ray mới và hệ thống tín hiệu điện tử. Thủ tướng Narendra Modi từng thúc đẩy việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt trị giá 30 tỷ USD, nhằm thúc đẩy nền kinh tế và khả năng kết nối của Ấn Độ. Tàu hỏa được coi là phương thức di chuyển đường dài phổ biến và có chi phí rẻ nhất cho cả người và hàng hóa. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá vụ tai nạn đêm 2/6 tại Balasore cho thấy hệ thống đường sắt phức tạp của Ấn Độ vẫn cần được cải thiện.
Ông Subodh Jain, cựu quan chức hàng đầu trong ngành đường sắt của Ấn Độ, cho biết: "Những trục trặc trong quá trình vận hành không phải là điều hiếm xảy ra đối với đường sắt Ấn Độ. Tuy các hệ thống giúp đảm bảo an toàn đã được cải thiện hơn rất nhiều, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện". Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc có thêm thời gian để cải thiện mạng lưới đường sắt tại một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới như Ấn Độ.
Đường sắt Ấn Độ - mạng lưới đường sắt lớn thứ 4 thế giới - vận hành khoảng 14.000 chuyến tàu/ngày với 8.000 đầu máy trên một hệ thống đường ray rộng khắp dài khoảng 64.000 km. Việc vận chuyển hơn 21 triệu lượt hành khách/ngày khiến mạng lưới đường sắt của quốc gia đông dân nhất thế giới này phải chịu áp lực rất lớn. Theo ông Jain, sức ép từ nhu cầu đi lại của người dân lớn tới mức hệ thống đường sắt khó có thể tạm ngừng hoạt động để thực hiện các cải tiến cần thiết.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2017-2021, khoảng 20.000 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường sắt, với nguyên nhân chủ yếu là va chạm, trật đường ray. Theo báo cáo năm 2022 của Tổng Kiểm toán và Kiểm toán Ấn Độ, trật đường ray là nguyên nhân gây ra 69% số các vụ tai nạn đường sắt. Đường ray bị lỗi, bảo trì kém và thiết bị phát tín hiệu cũ kết hợp với lỗi vận hành của con người đã gây ra nhiều vụ trật đường ray.