Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời một nhân viên cấp cao của công ty Shoei Kisen Kaisha Ltd. , chuyên dịch vụ cho thuê tàu biển, cho biết phía công ty sẽ xác minh nguyên nhân dẫn tới sự cố. Tuy nhiên, nhân viên này từ chối trả lời khi được hỏi về khoản bồi thường có thể phải trả trong sự cố. Tàu Ever Given thuộc sở hữu của Shoei Kisen Kaisha Ltd., do hãng Evergreen Marine Corp. (Đài Loan, Trung Quốc) vận hành. Khi xảy ra sự cố, tàu treo cờ của Panama.
Ngay sau khi có thông tin bước đầu giải cứu thành công tàu Ever Given, tạo luồng di chuyển trên mặt kênh đào Suez, công ty Shoei Kisen đã ra thông cáo báo chí bày tỏ cảm ơn giới chức Ai Cập và các lực lượng tham gia cứu hộ. Thông cáo nêu rõ một khi công tác giải cứu thành công và tàu được lai dắt về khu vực chờ ở hồ Bitter, công ty sẽ nhanh chóng phối hợp cùng các bên còn lại để đánh giá tình trạng tàu và sớm đưa tàu hoạt động trở lại.
Theo Giám đốc Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie, các đánh giá sơ bộ cho thấy tàu có thể khởi động và dịch chuyển trong một khoảng giới hạn, không có container hàng nào trên tàu bị hư hại nhưng cần tiến hành đánh giá lần 2 để xác định chính xác hơn.
Tham gia giải cứu tàu là các nhân viên cứu hộ của SCA và một đội giải cứu từ Smit Salvade (Hà Lan). Peter Berdowski, CEO Smit Salvage, chia sẻ đây là một nhiệm vụ cấp bách và áp lực chưa từng có. Theo công ty Hà Lan, đội cứu hộ đã đào khoảng 30.000m3 cát để giúp tàu thoát cạn và 11 tàu kéo thông thường, 2 tàu kéo chuyên dụng đã được huy động để giải cứu tàu Ever Given.
Tàu Ever Given có chiều dài khoảng 400m, nặng 220.000 tấn đã mắc cạn và chặn ngang kênh đào Suez từ ngày 23/3 khi đang thực hiện hành trình từ Trung Quốc về Rotterdam (Hà Lan). Vụ mắc cạn khiến tuyến lưu thông đường biển kết nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ rơi vào trạng thái tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu thông hàng hóa Á-Âu. Hơn 400 tàu và thuyền đã buộc phải tạm dừng tại khu vực kênh đào và neo đậu tại các khu vực chờ lâu hơn lịch trình dự kiến trong thời gian chờ đợi thông tuyến.
Trong khi đó, không ít tàu cũng phải điều hướng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), chấp nhận lịch trình kéo dài thêm ít nhất 7 ngày và tổn hao nhiên liệu hơn thông thường. Ngày 29/3, các nỗ lực giải cứu đạt thành công bước đầu khi giúp tàu nổi hoàn toàn trên mặt nước, dần xoay về hướng di chuyển thông thường, mở đường nối lại lưu thông trên kênh. Giám đốc SCA Osama Rabie cho biết dù hoạt động lưu thông qua kênh đào đã được nối lại nhưng cần ít nhất 3 đến 4 ngày để giải thoát hơn 400 tàu đang chờ và khôi phục trạng thái hoạt động bình thường trên kênh đào này.
Các nguồn tin trong ngành ước tính các chủ tàu và đơn vị thuê tàu có thể tổn hại thêm ít nhất 24 triệu USD chi phí trì hoãn lịch trình trong những ngày qua và nhiều khả năng họ không được bồi thường vì hầu hết các chính sách bảo hiểm không bao gồm điều khoản về hoãn lịch trình. Trong khi đó, các chủ hàng cũng có thể chịu những thiệt hại không được nhận bảo hiểm.