Bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Trang thông tin điện tử North, có kết nối với Đại học Johns Hopkins của Mỹ, ngày 6/9 đã công bố những hình ảnh vệ tinh ghi lại thay đổi của bề mặt bãi thử Punggye-ri ngày 4/9 sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tại đây.
Hình ảnh ghi lại cho thấy rung chấn từ vụ nổ đã khiến đất đá bay lên không trung và nhiều vệt lở đất nhỏ xung quanh. Theo North, những nhiễu loạn này nhiều hơn và xảy ra trên phạm vi rộng hơn so với những hiện tượng ghi nhận được trong 5 vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên. Tuy nhiên, dường không có dấu vết hố sụt lún do vụ nổ như giả thiết dựa trên rung chấn sau vụ thử.
Theo Cơ quan địa chấn Mỹ, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, được tiến hành sâu dưới lòng đất ở bãi thử Punggye-ri hôm 3/9 đã gây một trận động đất mạnh 6,3 độ Ricter và kéo theo dư chấn mạnh 4,1 độ Ricter ít phút sau đó, khiến giới chuyên gia quan ngại khả năng sụt lún đất đá tại khu vực bãi thử và chất phóng xạ có thể bị rò rỉ vào không khí.
Cũng trong ngày 6/9, cơ quan an toàn hạt nhân của Hàn Quốc công bố không phát hiện chất phóng xạ như khí xenon trong các mẫu đất, nước và không khí được thu thập và xét nghiệm sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Theo đánh giá mới nhất của tình báo Mỹ, sức công phá của quả bom nhiệt hạch (bom H) được Triều Tiên thử lần này tương đương với 140 kiloton thuốc nổ TNT. Các nguồn tin Chính phủ Mỹ được quyền tiếp cận thông tin tình báo mới nhất về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tiết lộ rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 này của Triều Tiên cũng liên quan tới một "thiết bị hạt nhân tiên tiến", có thể là thiết bị thúc đẩy phân hạch hoặc là một quả bom nhiệt hạch như tuyên bố của truyền thông Triều Tiên.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ước tính vụ thử hạt nhân nói trên có sức công phá khoảng 50 kiloton, trong khi North nhận định sức công phá của vụ nổ này là trên 100 kiloton. Nhật Bản ước lượng sức công phá của vụ nổ là 120 kiloton, mạnh gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.