Cảnh sát quốc gia Seoul bắt đầu điều tra người phụ nữ nói trên vào tháng 7 sau khi cô đăng một video phản cảm lên YouTube được cho là ghi lại trải nghiệm phá thai của mình.
Nhiều quốc gia trên thế giới cấm phá thai sau 24 tuần hoặc chỉ dành cho những trường hợp rất đặc biệt như dị tật thai nhi hoặc khi sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm. Nhưng ở Hàn Quốc, hiện không có luật nào quy định thời điểm, địa điểm hoặc cách thức phá thai có thể diễn ra, và lỗ hổng pháp lý này đã tồn tại trong gần 4 năm qua.
Đây là một khoảng trống chính sách mà các chuyên gia cho rằng không chỉ dẫn đến các hành vi sai trái tiềm ẩn mà còn cản trở việc tiếp cận phá thai an toàn.
Mới đây, trong một tuyên bố chung, một liên minh gồm 11 tổ chức phụ nữ và tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc đã chỉ trích chính phủ vì đã trừng phạt những phụ nữ phá thai thay vì cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ phá thai. Tuyên bố cho biết "Đây không gì khác hơn là một nỗ lực đáng thương và nghiêm trọng nhằm trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi".
Lỗ hổng pháp lý
Trong hơn sáu thập kỷ từ trước năm 2019, việc thực hiện phá thai ở Hàn Quốc là một tội ác có thể bị phạt tới hai năm tù, ngoại trừ với một số trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân hay sức khỏe của người mẹ hoặc em bé bị đe dọa. Phụ nữ đang mang thai tự quyết định phá thai cũng có thể bị phạt tù tới một năm.
Nhưng vào năm 2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã hủy bỏ lệnh cấm đó, cho Quốc hội thời hạn đến cuối năm 2020 để ban hành luật phá thai mới, mà theo khuyến nghị của tòa án nên bao gồm giới hạn là thai nhi 22 tuần tuổi.
Khi cơ quan lập pháp không đáp ứng được thời hạn đó, các điều khoản hình sự về phá thai đã hết hạn, đồng nghĩa về cơ bản là Hàn Quốc đang hợp pháp hóa việc phá thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Cho Hee-kyoung, Giáo sư luật tại Đại học Hongik ở Seoul, cho biết khi không thông qua luật phá thai, Quốc hội "không làm tròn nhiệm vụ của mình". "Nếu không có luật nào hình sự hóa một hành vi, thì không có tội nào bị xử khi thực hiện hành vi đó", bà Cho nói.
Việc phi hình sự hóa phá thai là một chiến thắng lớn đối với những người ủng hộ quyền quyết định sinh sản, những người vào thời điểm đó đã phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các nhóm bảo thủ và tôn giáo, một số nhóm có liên quan đến các chiến dịch chống phá thai của Mỹ.
Nhưng chiến thắng của họ đã bị dập tắt bởi những gì đã đến - hoặc chưa đến - trong những năm kể từ đó.
"Kể từ khi tội phá thai bị cấm, chúng tôi đã yêu cầu Bộ Y tế và Phúc lợi phân loại phá thai là quyền được chăm sóc sức khỏe, không phải là đối tượng bị trừng phạt, và đưa ra các quy định", ông Nayoung, đại diện của SHARE, một tổ chức tại Hàn Quốc cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục, cho biết.
Nhưng không có chính sách mới nào được thông qua. Thay vào đó, các cuộc tranh luận tại Quốc hội về chính sách phá thai đã phải đối mặt với sự phản đối mới từ các nhóm tôn giáo, những nhóm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà lập pháp ở một quốc gia mà các chuẩn mực giới tính truyền thống chiếm ưu thế như Hàn Quốc.
Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của mình vào tháng 6, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết "hướng đi, chi tiết và thời điểm sửa đổi" luật phá thai vẫn chưa được quyết định và cần phải tham khảo ý kiến của Bộ Y tế và Phúc lợi, đơn vị giám sát Đạo luật Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em.
“Bộ Tư pháp sẽ cố gắng hết sức để thảo luận vấn đề này để quyền được sống của thai nhi, quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền tự quyết của phụ nữ mang thai có thể được hài hòa”, tuyên bố cho biết thêm.
Thay đổi thái độ đối với phá thai
Mặc dù trước đây Hàn Quốc có luật phá thai nhưng đây không phải là một vấn đề “nóng” như ở Mỹ. Từ những năm 1960 đến giữa những năm 2000, chính phủ Hàn Quốc đã nhấn mạnh vào kế hoạch hóa gia đình để hạn chế sự gia tăng dân số, đến mức phá thai được coi là "phương pháp kiểm soát sinh đẻ thay thế", Giáo sư Cho cho biết.
Bà Choi nói rằng, sự kỳ thị xã hội đối với những bà mẹ đơn thân và chưa kết hôn cũng tạo điều kiện cho việc chấp nhận phá thai một cách im lặng. "Ngay cả cảnh sát và vợ của họ, công tố viên và vợ hay tình nhân của họ cũng đều phá thai".
Mặc dù hành động phá thai từ lâu vẫn diễn ra ngấm ngầm, nhưng chính quyền bắt đầu trấn áp thủ thuật này từ giữa những năm 2000.
Các bác sĩ đã bị buộc tội thực hiện phá thai, dẫn đến một vụ kiện nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ trong việc phá thai và quyền của bác sĩ trong việc thực hiện phá thai.
Cùng lúc đó, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đang giảm và chính phủ tìm cách tăng dân số. Cùng với các biện pháp tránh thai mới, tâm trạng của công chúng đối với phá thai đã thay đổi.
"Đó không phải là điều mà mọi người coi nhẹ và mọi người có thể có xu hướng coi đó là hành động vô trách nhiệm", bà Cho nói.
Nếu tình trạng quá tải dân số đã thúc đẩy luật pháp hoá việc phá thai, thì giờ đây Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn đề ngược lại.
Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 0,72 trẻ trên một phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 mà ước tính một quốc gia cần đạt được sự ổn định dân số mà không cần nhập cư. Để so sánh, tỷ lệ sinh ở Mỹ là 1,7 vào năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới.
Tỷ lệ sinh dưới 1,5 có thể đẩy các quốc gia vào cái bẫy thúc đẩy dân số già và trì trệ kinh tế, rồi từ đó lại ngăn cản việc sinh con và khiến tỷ lệ sinh thấp hơn.
Không thể biết được số ca phá thai thực sự diễn ra mỗi năm ở Hàn Quốc vì quy trình này không được quản lý. Nhưng theo ước tính của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, số ca phá thai đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, từ con số ước tính là 241.411 vào năm 2008 xuống chỉ còn 32.063 vào năm 2020, năm gần nhất có số liệu thống kê. Tuy nhiên, những người ủng hộ phá thai cho rằng tỷ lệ phá thai thực sự có thể cao hơn nhiều.