Phát biểu ngày 1/4, Chủ tịch Hội đồng Những người sở hữu súng trường được cấp phép ở New Zealand, Nicole McKee, khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ chính phủ trong mọi thay đổi nhằm ngăn chặn tái diễn một vụ tấn công khủng bố ở New Zealand".
Trong khi đó, một trong những nhà bán lẻ súng lớn nhất ở New Zealand Hunting & Fishing đã tự nguyện ngừng bán các loại súng trường bán tự động của quân đội, đồng thời ngừng hoạt động bán súng trường trên mạng. Giám đốc điều hành của Hunting & Fishing, ông Darren Jacobs, nhấn mạnh các loại súng tấn công sẽ "không có chỗ" trong danh mục hàng hóa của Hunting & Fishing cũng như ở đất nước New Zealand.
Quốc hội New Zealand dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua lệnh cấm súng trường bán tự động kiểu quân sự, được chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern ban hành sau vụ xả súng kinh hoàng ngày 15/3 vừa qua khiến 50 người thiệt mạng. Tại New Zealand, tiến trình hoàn tất một dự luật như vậy tại Quốc hội thường mất nhiều tháng. Tuy nhiên, Thủ tướng Ardern cho biết đây là một vấn đề cấp bách và sẽ được hoàn tất trước ngày 11/4 tới.
Những quy định siết chặt việc sở hữu súng, có thể bao gồm việc đăng ký sử dụng súng, thắt chặt các quy định về lưu trữ súng và kiểm tra lý lịch người mua, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
Vụ xảy súng tại hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch làm 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương đã đưa luật kiểm soát súng đạn của New Zealand trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng chính những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là một yếu tố khiến hung thủ Brenton Harrison Tarrant quyết định tiến hành vụ thảm sát. New Zealand gần như là nước duy nhất, ngoại trừ Mỹ, có tới 96% số súng đạn lưu hành không phải đăng ký.
Vụ việc cũng đã bộc lộ những lỗ hổng trong luật sở hữu súng đạn tại New Zealand và là lý do buộc chính phủ của Thủ tướng Ardern có các biện pháp khẩn cấp thắt chặt luật sử dụng súng đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp những vũ khí không cần thiết.
Cũng giống như tại Mỹ, New Zealand có Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), nhưng quy mô và thế lực của tổ chức này tại hai nước hoàn toàn khác nhau. Đã có ý kiến cho rằng New Zealand nên đổi tên NRA để tránh trùng với tổ chức của Mỹ. New Zealand có dân số khoảng 4,7 triệu người và số lượng súng sở hữu trong dân là 1,5 triệu khẩu - tỷ lệ 0,3 khẩu/người. Trong khi đó, dân số Mỹ là 327 triệu dân với 396 triệu khẩu súng - tỷ lệ 1,2 khẩu/người.
Trong năm 2016, trên toàn lãnh thổ New Zealand xảy ra 9 vụ giết người sử dụng vũ khí nóng. Tại Mỹ, số vụ tội phạm kiểu này là 14.415 vụ, cao gấp 200 lần theo tỷ lệ đầu người so với New Zealand. Tại New Zealand, số súng trường bán tự động kiểu quân sự thuộc sở hữu cá nhân là khoảng 13.500 khẩu, con số này ở Mỹ là 15 triệu khẩu.