Đây là thông tin được tờ New York Times công bố ngày 27/4 và thỏa thuận này là một bước tiến dài trong tiến trình đàm phán giữa EU với Pfizer, gắn với vai trò nổi bật của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen.
Thời điểm tháng 2/2021, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 gặp nhiều thách thức. Nhiều khu vực ở châu Âu lúc đó nằm trong trạng thái đóng cửa, người số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tăng vọt. Cùng lúc, AstraZeneca tuyên bố gặp phải một số vấn đề trong sản xuất, không có khả năng cung ứng vaccine cho EU theo hợp đồng đã ký kết. Đó cũng là khoảng thời gian mà lãnh đạo EU và cá nhân bà Ursula von der Leyen hứng chịu chỉ trích trong và ngoài EU.
Một tháng sau, bà von der Leyen liên tục có các cuộc trao đổi bằng tin nhắn, điện thoại với Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer – cũng là một đối tác cung cấp vaccine cho EU. Trong thảo luận, hai bên làm rõ được hai vấn đề lớn gắn với nhu cầu và khả năng của nhau: Pfizer có thể cung cấp số lượng nhiều hơn, còn EU có nhu cầu ngày một lớn đối với vaccine này.
Ngoại giao cá nhân của người đứng đầu EC đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận lớn, dự kiến sẽ được hoàn tất trong tuần này. Theo đó, EU sẽ nhận được 1,8 tỉ liều vaccine từ Pfizer-BioNtech, cũng là loại vaccine đầu tiên được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép phê chuẩn sử dụng khẩn cấp. Trong đó, 900 triệu liệu sẽ được chuyển giao đến năm 2023 và 900 liều còn lại sẽ được cung ứng sau mốc thời gian này.
Thỏa thuận này đưa EU trở thành khách hàng lớn nhất của Pfizer, vượt Mỹ, nước đặt mua 300 triệu liều trước đó. Hợp đồng cũng có điều khoản cho phép EU được bán lại hoặc viện trợ vaccine cho các đối tác khác. Tháng 11/2020, EU cũng từ ký hợp đồng ban đầu với Pfizer, đặt mua 200 triệu liều vaccine, kèm lựa chọn mua thêm 100 triệu liều bổ sung.
Thông tin về thỏa thuận hợp tác mới giữa EU và Pfizer xuất hiện tại thời điểm liên minh này vừa khởi kiện AstraZeneca. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/4, phát ngôn viên EC cho biết việc khởi kiện được thực hiện vào 23/4 và quyết định này nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). “AstraZeneca đã không tôn trọng một số điều khoản có trong hợp đồng và không đủ khả năng để đưa ra một chiến lược đáng tin cậy về giao vaccine đúng hẹn”, phát ngôn viên EC nói.
Thông báo này được đưa ra sau khi bà Ursula von der Leyen tuyên bố rằng EU sẽ không có bất kỳ hợp tác nào với AstraZeneca trong các chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tới đây của khối. Theo bà, EU sẽ chỉ mua vaccine sử dụng công nghệ mRNA, như Pfizer hay Moderna, cho các vòng tiêm chủng tới.