Vùng Scotland (Anh) siết chặt nhập cảnh đối với người nước ngoài

Ngày 2/2, Thủ hiến vùng Scotland (Anh) Nicola Sturgeon thông báo sẽ yêu cầu tất cả những người đến từ bên ngoài nước Anh thực hiện cách ly có quản lý. Biện pháp này được xem là gắt gao hơn, thậm chí trái ngược với với chủ trương của Chính phủ Anh công bố trước đó. 

Theo bà  Sturgeon, chính sách mới này sẽ có hiệu lực trong thời gian sớm nhất có thể và rất cần thiết nhằm ngăn chặn các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại vùng lãnh thổ này. Thủ hiến Scotland nhấn mạnh việc thực hiện cách ly có quản lý được áp dụng với tất cả những người nhập cảnh trực tiếp vào vùng này, bất kể là công dân nước nào. Tuy nhiên, chưa rõ biện pháp này có áp dụng với những người nhập cảnh vào Anh sau đó mới đến Scotland hay không. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm mũi thứ hai vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho người dân tại Greater Manchester, Anh, ngày 7/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hồi tuần trước, Chính phủ Anh thông báo chỉ những du khách đến từ 30 quốc gia có nguy cơ cao về biến thể mới sẽ phải cách ly tại  khách sạn. Trong khi đó, du khách từ các nước khác vẫn có thể nhập cảnh vào Anh nếu có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và chỉ phải tự cách ly tại nơi cư trú trong thời gian nhất định. 

Là quốc gia châu Âu chịu tác động mạnh nhất do COVID-19, cho tới nay, Anh đã ghi nhận 3.852.623 ca mắc, trong đó có 108.013 ca tử vong, và vùng England đang thực hiện lệnh phong tỏa trong nhiều tuần qua. Theo Thủ tướng Boris Johnson, biện pháp này sẽ được duy trì ít nhất đến ngày 8/3 tới. 

Trước tình trạng số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng do biến thể mới, cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này sẽ gia hạn một số biện pháp hạn chế đến ngày 2/3 tới, thay vì kết thúc vào ngày 9/2 như ban đầu. Theo lệnh này, các trường học, cửa hàng không thiết yếu, quán bar và nhà hàng phải phải đóng cửa, mỗi hộ gia đình mỗi ngày chỉ được tiếp một vị khách. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ, đó là các trường học cấp 1 và một số cửa hàng sẽ hoạt động trở lại vào ngày 8/2 tới. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm vẫn tiếp tục có hiệu lực đến ngày 10/2 và sẽ được xem xét gia hạn tùy theo khuyến cáo của giới chuyên gia.

Chính phủ Hà Lan đang đứng trước sức ép sau khi ban hành lệnh giới nghiêm vào ngày 23/1 vừa qua, gây ra làn sóng phản đối tồi tệ nhất nước này trong 40 năm qua. Giới chức Hà Lan cho hay số ca mắc mới có xu hướng giảm, song có tới 75% trong số này có liên quan đến biến thể mới phát hiện tại Anh.

Tại Áo, chính phủ nước này thông báo sẽ siết chặt biên giới để ngăn chặn người nước ngoài tới các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Karl Nehammer, an ninh sẽ được siết chặt tạo các khu nghỉ này ở dãy núi Alps và tại biên giới. Theo đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm yêu cầu những người nhập cảnh phải khai báo với các nhà chức trách và thực hiện xét nghiệm theo tuần.

Do lệnh phong tỏa, các khách sạn, nhà hàng, quán bar, trường học và tất cả hoạt động kinh doanh không cần thiết phải đóng cửa trong nhiều tuần, chính phủ đã cho phép hệ thống cáp treo tại Alps hoạt động trở lại trước kỳ nghỉ Giáng sinh để phục vụ người dân trong nước. Tuy nhiên, hàng trăm khách nước ngoài vẫn tìm cách nhập cảnh trái phép vào Áo để tới các khu nghỉ này, hậu quả là một số ổ dịch COVID-19 đã xuất hiện tại đây.

Còn tại Romania, sau cuộc họp nội các, Tổng thống Klaus Iohannis thông báo phần lớn học sinh sẽ được quay trở lại trường học từ tuần tới sau 6 tháng đóng cửa. Hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên nước này thiếu máy tính hoặc không thể kết nối Internet để học tập trực tuyến.

Romania lần đầu tiên đóng cửa trường học từ tháng 3 năm ngoái khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Sau đó, các trường học đã mở cửa trở lại một thời gian ngắn vào mùa Thu trước khi lại phải đóng cửa để đối phó với đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Romania Sorin Campeanu cho biết để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong trường học, bộ đã mua 37 triệu khẩu trang  cho học sinh. Chính phủ cũng đã cân nhắc nhiều kịch bản mở lại các trường học, tùy thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm bệnh ở các khu vực cụ thể. Hiện Bộ Giáo dục vẫn chưa quyết định chính xác trường nào sẽ được mở lại từ ngày 8/2.

Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Romania đã ghi nhận hơn 732.000 ca mắc bệnh, trong đó 18.513 trường hợp không qua khỏi. Hiện nước này đã tiêm chủng cho hơn 472.000 người dân.

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát ở Tiberias, Israel trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ bắt đầu dỡ bỏ dần biện pháp phong tỏa vào tuần tới, song khẳng định sẽ tiến hành một cách thận trọng. 

Theo Thủ tướng Israel, việc triển khai tiêm vaccine ngừa virus là "chìa khóa" để thoát khỏi đại dịch COVID-19 và tránh một đợt đóng cửa lần thứ ba trên quy mô toàn quốc. Ông nhấn mạnh Israel đang trong cuộc đua giữa chiến dịch tiêm chủng và biến thể của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Netanyahu kêu gọi cần phải tiêm chủng cho 90% số người trên 50 tuổi trong 2 tuần tới. Dự kiến ngày 3/2, nội các Israel sẽ họp để thảo luận về thời điểm và những hạn chế nào sẽ được dỡ bỏ.

Trước đó, lệnh phong tỏa chống dịch 36 ngày được áp đặt tại Israel từ ngày 27/12/2020.

Thanh Hương - Thanh Tùng (TTXVN)
Pfizer ước tính doanh thu bán vaccine ngừa COVID-19 đạt 15 tỷ USD
Pfizer ước tính doanh thu bán vaccine ngừa COVID-19 đạt 15 tỷ USD

Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ ngày 2/2 cho biết doanh số bán vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển, có thể đạt tới 15 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ tăng cao hơn nếu Pfizer ký hợp đồng cung cấp bổ sung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN