Khu vườn nhỏ xinh nói trên là một trong 60 khu vườn trên các tòa nhà cao tầng trong thành phố này từ năm 2015, xuất hiện trên sân thượng của khu mua sắm, các bãi đáp trực thăng không còn hoạt động…, nhờ những sáng kiến như của công ty Rooftop Republic, một doanh nghiệp địa phương thúc đẩy làm trang trại trong đô thị. Điều này cũng tạo nên một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với sự đơn điệu của bê tông, cốt thép và cửa kính của quận tài chính trong thành phố này.
Người đồng sáng lập công ty, ông Andrew Tsui, 43 tuổi, cho biết những khu vườn trên sân thượng là cách để mọi người kết nối lại với việc tạo ra thực phẩm bền vững giữa cái mà ông gọi là “phong cách sống kiểu mì ăn liền của thành phố”, vốn thải quá nhiều rác. Ông khẳng định người dân Hong Kong cần tạo dựng lại mối quan hệ với những gì họ ăn - mối quan hệ đã bị đổ vỡ “kể từ khi chúng ta bắt đầu chế biến thực phẩm và phụ thuộc quá nhiều vào sản phẩm công nghiệp”.
Theo thống kê của chính quyền thành phố, Hong Kong thải ra khoảng 3.500 tấn rác thải thực phẩm mỗi ngày, tương đương cân nặng của 250 chiếc xe buýt hai tầng. Chỉ gần 1/4 lượng rác này được tái chế. Khoảng 90% thực phẩm mà 7,5 triệu người dân thành phố tiêu thụ mỗi ngày là loại được nhập khẩu, hầu hết từ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, dù Hong Kong là một trong những nơi có mật độ dân cư đông nhất thế giới, vẫn còn những không gian đáng kể để tự trồng cây lương thực.
Theo ông Tsui, khoảng 7 triệu m2 ở những nơi có thể trồng trọt được hiện đã được trồng cây. Nhưng vẫn còn hơn 6 triệu m2 trên các sân thượng vẫn chưa được sử dụng. Như vậy, “chúng tôi có thể tăng gấp đôi nguồn cung ứng đất trồng cây lương thực”. Thách thức đối với công ty là thiết kế các trang trại đô thị thành một phong cách sống để gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân. Để kết hợp hài hòa mô hình trang trại đô thị với thiết kế của các tòa nhà văn phòng, Rooftop Republic đã hợp tác chặt chẽ với các kiến trúc sư và các nhà quản lý bất động sản.
Cũng như khu vườn của tòa Bank of America, ngân hàng DBS khổng lồ của Singapore đã hợp tác với Rooftop Republic để tổ chức các buổi hội thảo về làm vườn cho nhân viên, bên cạnh các lớp học nghiệp vụ. Các “nông dân cổ cồn” cho biết dự án trồng cây trên nóc tòa nhà cũng giúp tạo tinh thần cộng đồng giữa những người tham gia.