Theo quan chức trên, sau cuộc gặp song phương trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump đã cùng người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đi về hướng xe ô tô. Ông Trump đã thông báo cho ông Moon Jae-in một số thông tin liên quan và đề nghị tiến hành một cuộc hội đàm riêng ngay trước khi bước lên xe.
Quan chức trên nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhỏ với nhau về những nội dung quan trọng. Sau đó, vào buổi chiều, phía Mỹ đã thông báo chi tiết cuộc gặp cho Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Theo đó, tại cuộc gặp ngày 30/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên trong vài tuần tới.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang và các lãnh đạo 5 đảng chính trị của nước này đã thảo luận những sáng kiến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc coi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại DMZ là dịp quan trọng để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thể hiện thông qua hai mục tiêu là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo và hòa bình vĩnh viễn.
Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) cầm quyền Lee Hae-chan đề nghị cử một phái đoàn nghị viện tới Triều Tiên để thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng, trong đó có cuộc họp nghị viện liên Triều. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trước đó, trong cuộc họp ban lãnh đạo, DP mô tả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là "cuộc gặp thế kỷ", bước ngoặt quan trọng hướng đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Đảng này cho rằng việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có thể hội đàm nhanh dù không có sự thảo luận trước, là nhờ sự tin tưởng hình thành giữa ba bên Hàn-Triều-Mỹ, trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in và DP sẽ phát huy thành quả từ cuộc gặp, mở ra thời đại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Đảng Hàn Quốc Tự do đối lập cũng đánh giá cuộc gặp giữa lãnh đạo Hàn-Triều-Mỹ là một tín hiệu tốt đẹp, giúp nối lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên hiện đang trong tình trạng bế tắc kéo dài. Tuy nhiên, đảng này cũng cảnh báo còn nhiều vấn đề nan giải phía trước cho tới khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên chỉ tích cực đối thoại với Mỹ chứ không phải với Hàn Quốc, thể hiện qua việc Tổng thống Moon Jae-in không tham dự hội đàm Mỹ-Triều.
Đảng Tương lai chính nghĩa cũng lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống nước này không có mặt tại cuộc hội đàm lịch sử diễn ra trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, đảng này khẳng định chỉ riêng việc Tổng thống Mỹ lần đầu bước qua ranh giới quân sự liên Triều, đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, cũng đủ để gieo hy vọng hòa bình cho người dân toàn thế giới.
Trong khi đó, đảng Hòa bình Dân chủ đánh giá bán đảo Triều Tiên vừa có ngày "cuối tuần lịch sử", nhấn mạnh chính giới cần hợp tác liên đảng, nhằm thúc đẩy cục diện giao lưu, hợp tác liên Triều. Đảng Công lý bày tỏ kỳ vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tìm ra được một giải pháp tốt đẹp trong quá trình đàm phán cấp chuyên viên sắp được nối lại.
Cùng ngày, tờ Choson Sinbo - tờ báo ủng hộ Triều Tiên ở Nhật Bản cho rằng cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ là "liệu pháp sốc" cần thiết nhằm chấm dứt "một thế kỷ quan hệ thù địch".
Trong một bài viết, tờ Choson Sinbo cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra hôm 30/6 là hợp lý do Triều Tiên "phản ứng chân thành với đề nghị gặp mặt không được thông báo sớm" của Tổng thống Mỹ. Bài báo nhấn mạnh cuộc gặp sẽ là "động lực mới" để "thực hiện bước đi đầu tiên cho việc thực thi tuyên bố chung Singapore" được hai nhà lãnh đạo ký kết trong cuộc họp lịch sử Mỹ-Triều lần thứ nhất hồi tháng 6/2018.
Cũng trong ngày 1/7, Trung Quốc hoan nghênh cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó 1 ngày.
Chiều 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại DMZ phân chia hai miền Triều Tiên. Hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân bị đình trệ từ đầu năm nay. Trước khi họp kín, hai nhà lãnh đạo đều đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Các cuộc gặp trên diễn ra bất ngờ, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân vẫn đình trệ. Quan hệ liên Triều cũng gặp khó khăn khi các dự án hợp tác lớn bị đình chỉ, một phần do các cuộc đàm phán phi hạt nhân không tiến triển cũng như các biện pháp trừng phạt mà Washington tuyên bố vẫn duy trì cho đến khi kết thúc tiến trình phi hạt nhân hóa.
Ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua ranh giới tại DMZ sang phần lãnh thổ Triều Tiên. Đây được xem là một dấu mốc lịch sử đối với Mỹ và Triều Tiên, đồng thời là biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương. Trước đây, chỉ có hai cựu tổng thống Mỹ đã thăm Triều Tiên, đó là ông Jimmy Carter vào tháng 6/1994 và ông Bill Clinton vào tháng 8/2009. Cả hai chính khách này đều thăm Triều Tiên khi đã rời nhiệm sở.