Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nhấn mạnh ADB quyết tâm hỗ trợ các chương trình ứng phó của Ấn Độ nhằm giúp quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đảm bảo cung cấp sự trợ giúp hiệu quả cho người dân. Việc thông qua khoản tín dụng trên là nhằm hỗ trợ các ưu tiên trước mắt như ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh cũng như bảo vệ những người nghèo và dễ bị tổn thương về kinh tế.
Trước đó, ngày 13/4, ADB thông báo thiết lập quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19, trị giá 20 tỷ USD, để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển chống dịch bệnh.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt dự án trị giá 20 triệu USD hỗ trợ Jordan giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với y tế.
Theo tuyên bố của WB, dự án "Ứng phó khẩn cấp COVID-19" sẽ hỗ trợ Bộ Y tế Jordan phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với mối đe dọa do đại dịch gây ra cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của y tế công cộng. Gói hỗ trợ Jordan là một phần trong chương trình chuẩn bị và ứng phó chiến lược đối với COVID-19. Chương trình này trị giá 6 tỷ USD, được WB thông qua hồi đầu tháng này.
Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế Jordan Wissam Rabadi cho biết gói hỗ trợ của WB sẽ giúp các cơ quan chức năng y tế của nước này củng cố năng lực ứng phó với COVID-19.
Tính đến nay, Jordan đã ghi nhận 449 ca mắc COVID-19, trong đó có 8 người tử vong.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ngày 29/4, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính nước này, ông Hong Nam-ki đã chủ trì cuộc họp Ủy ban đối sách kinh tế khẩn cấp trung ương.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tại cuộc họp, ông Hong Nam-ki tuyên bố trong tháng này sẽ triển khai gói hỗ trợ tài chính lần hai quy mô 10.000 tỷ won (8,21 tỷ USD) cho các tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Gói hỗ trợ có mức lãi suất 3 - 4%/năm và 6 ngân hàng thương mại lớn cung cấp bảo lãnh đến 95% Quỹ bảo lãnh tín dụng với hình thức hoàn trả là chỉ trả lãi trong hai năm đầu, sau đó trả cả gốc và lãi trong ba năm. Những doanh nghiệp và cá nhân đã được hưởng gói hỗ trợ lần 1 sẽ không được hưởng hỗ trợ lần 2.
Cũng tại cuộc họp này, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ xúc tiến các chương trình thông tin và truyền thông quy mô lớn trên nền tảng kỹ thuật số, đồng thời công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp. Phó Thủ tướng Hong Nam-ki đánh giá đây là bước đệm chuẩn bị chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như dần đưa Hàn Quốc thoát khỏi khái niệm kinh tế truyền thống. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Theo kế hoạch, Ủy ban đối sách kinh tế khẩn cấp trung ương sẽ bàn thảo nội dung cơ bản của dự án này, sau đó đưa ra thảo luận chính thức tại cuộc họp tuần tới.