Đó là phát biểu của Giám đốc điều hành WB Axel van Trotsenburg bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Ông van Trotsenburg nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết bổ sung các nguồn tài trợ từ các nước thành viên, đặc biệt là những nước giàu như Mỹ, Anh và Đức, bởi theo ông, "nếu không có các nguồn tài chính thì không thể tạo nên sự khác biệt".
Trong năm tài chính 2022, WB đã cung cấp 31,7 tỷ USD hỗ trợ các chương trình chống biến đối khí hậu ở các nước - mức phân bổ cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, WB vẫn phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng về hồ sơ chống biến đổi khí hậu của ngân hàng này, bao gồm thiếu mốc thời gian cụ thể để loại bỏ dần tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch và không tận dụng đủ nguồn vốn tư nhân cho mỗi khoản đầu tư phát triển.
WB sử dụng nguồn tài chính từ các nước giàu đóng góp để cấp các khoản cho vay và hỗ trợ các nước nghèo hơn, và đây được xem là một kênh quan trọng cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Alexia Latortue cho biết Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ của WB, hiện đang làm việc chặt chẽ với WB để đáp ứng thời hạt chót cuối năm nay phát triển và thực hiện các cải cách để tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng này.
Một ủy ban độc lập cho rằng việc WB thay đổi cách thức hoạt động có thể giải phóng "vài trăm tỷ USD" trong trung hạn mà không ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng mà WB dựa vào để đi vay trên thị trường vốn.
Trong khi đó, công ty quản lý tài sản Aviva Investors của Anh ngày 10/11 kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WB và các nhà hoạch định tài chính toàn cầu xây dựng một kế hoạch chuyển đổi toàn cầu về tài chính để hỗ trợ việc huy động nhanh hơn nguồn vốn tư nhân để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.
Theo Aviva Investors, hệ thống tài chính hiện tại không phù hợp với mục đích và phải được cải cách để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như giám sát chuyển đổi một cách có trật tự.
Cụ thể, một báo cáo tại COP27 cho rằng từ nay đến năm 2030, mỗi năm các nước đang phát triển cần 1.000 tỷ USD bổ sung từ bên ngoài cùng với nguồn quỹ trong nước để có thể thực hiện mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, trên thực tế, năm 2021, các ngân hàng phát triển hàng đầu thế giới mới chỉ cho các nước nghèo vay 51 tỷ USD.
Aviva Investors kêu gọi tất cả các tổ chức giám sát tài trợ toàn cầu, bao gồm IMF, WB và các cơ quan quản lý Ủy ban Ổn định Tài chính, IOSCO và Ủy ban Basel, xây dựng một kế hoạch chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, báo cáo tiến bộ hằng năm và phối hợp với các đối tác để tạo ra chuyển đổi hệ thống tài chính bao trùm.
Báo cáo của Aviva Investors nêu rõ hàng tỷ USD vẫn tiếp tục đổ vào các dự án toàn cầu làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu, thay vì tài trợ cho kế hoạch giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, và điều này là do sự lãnh đạo yếu kém về vấn đề khí hậu của các cơ quan quản lý.