Sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến kinh tế Nga suy giảm 3,1% trong năm ngoái, cũng là mức giảm mạnh nhất trong 11 năm qua. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức sụt giảm kinh tế lớn nhất Nga từng ghi nhận. Nền kinh tế quốc gia này giảm 5,3% và 7,8%, lần lượt vào các năm 1998 và 2009. Từ năm 2000 đến 2008, kinh tế Nga tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm.
Trong báo cáo mới nhất, WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 2,9% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, cao hơn so với các mức dự báo lần lượt là 2,6% và 3% mà thể chế tài chính này đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Báo cáo đánh giá với kịch bản giả định không xảy ra làn sóng thứ ba dịch COVID-19 tại Nga, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ cải thiện, qua đó mở đường cho việc phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng cảnh báo Nga vẫn có khả năng đối mặt với "những nguy cơ lớn", bao gồm sự sụt giảm giá trị tài sản của các ngân hàng hay tâm lý e ngại tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo báo cáo, trong khi sự phục hồi kinh tế về trung hạn vẫn còn "bấp bênh" do đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các triển vọng kinh tế dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. Báo cáo cho rằng những nỗ lực nhằm nâng cao tiềm lực tăng trưởng kinh tế có thể bao gồm việc đa dạng hóa nền kinh tế, tạo sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực kinh tế tư nhân, cải thiện năng lực quản trị và tận dụng sự chuyển dịch của các chuỗi giá trị toàn cầu.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, WB từng khuyến nghị Nga cần đơn giản hóa các thủ tục pháp lý và khuyến khích văn hóa doanh nghiệp để giúp các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn nếu nước này muốn tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
* Trong khi đó, tại Mỹ, lòng tin tiêu dùng trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, qua đó củng cố cho nhận định tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ các biện pháp kích thích bổ sung và tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board được công bố ngày 30/3, chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 19,3 điểm, lên 109,7 điểm trong tháng 3, mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3 năm ngoái. Mức tăng này là mạnh nhất kể từ tháng 4/2003. Tuy nhiên, chỉ số của tháng 3 vẫn thấp hơn nhiều so với con số 132,6 điểm của tháng 2/2020.
Trong khi đó, chỉ số về tình hình hiện tại, dựa trên đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện kinh doanh và thị trường việc làm, tăng lên 110 điểm, so với mức 89,6 điểm trong tháng trước. Chỉ số kỳ vọng, dựa trên dự báo ngắn hạn của người tiêu dùng về thu nhập, kinh doanh và thị trường việc làm, tăng từ 90,9 điểm lên 109,6 điểm.
Khảo sát của Conference Board cho thấy người tiêu dùng khá lạc quan về thị trường lao động. Các biện pháp hạn chế chống dịch đối với các hoạt động kinh doanh không thiết yếu đã được dỡ bỏ khi người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, việc gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua đã khiến các nhà kinh tế nhận định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm nay sẽ mạnh nhất trong gần 4 thập niên. Khảo sát cho thấy nhiều người tiêu dùng dự định mua nhà, xe và thiết bị gia dụng trong 6 tháng tới hơn.