Cuộc họp thường niên của các lãnh đạo thế giới và chủ doanh nghiệp vào tháng 1/2021 sẽ có trọng tâm là xác định các vấn đề lâu dài mà đại dịch gây ra. Trong khi các nhân vật quan trọng hội họp, trong một động thái mới, Hội nghị thượng đỉnh WEF lần thứ 51 này cũng sẽ kết nối ảo tới 400 thành phố trên khắp thế giới để cập nhật từ một thế hệ trẻ hơn.
WEF cho biết những đứt quãng về chính trị, kinh tế và xã hội do khủng hoảng y tế gây ra đã cho thấy những khiếm khuyết của các hệ thống y tế, tài chính và năng lượng, đặt các nhà lãnh đạo thế giới trước một bước ngoặt. Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến tại trụ sở của WEF ở Geneva, Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho biết: "Khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy rằng các hệ thống lỗi thời của chúng ta không còn phù hợp với thế kỷ 21 nữa. Giờ là thời khắc lịch sử không chỉ để chống virus mà còn để định hình hệ thống cho kỷ nguyên hậu corona. Nói ngắn gọn là chúng ta cần một cuộc đại tu. Chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội duy nhất này".
Trong phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho biết đây là một cơ hội để xây dựng các nền kinh tế và các xã hội công bằng, toàn diện và dẻo dai hơn, có thể đứng vững trước các đại dịch, biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác". TTK nhấn mạnh: "Đại tu là sự nhận thức rằng thảm họa đối với nhân loại chính là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta cần nghĩ lại, xây dựng lại, thiết kế lại, làm mới lại và tái cân bằng thế giới".
Về phần mình, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng khẳng định đã đến lúc "lật trang sử mới, bắt đầu câu chuyện về cuộc đại tu... Cách tốt nhất để tưởng nhớ những người đã mất tính mạng trong đại dịch là xây dựng thế giới xanh hơn, thông minh hơn và công bằng hơn".