Báo cáo có tiêu đề “Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường hơn” đánh giá xếp hạng 117 quốc gia trên toàn thế giới, dựa trên một loạt các nhân tố giữ vai trò thiết yếu đối với sự phát triển bền vững, ổn định, của ngành du lịch, để từ đó có đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đề ra 112 chỉ số, phân chia thành 17 nhóm chính liên quan đến môi trường, hạ tầng giao thông, mức độ đáp ứng ngành công nghệ thông tin, tài nguyên văn hóa, giá cả chi tiêu, điều kiện vệ sinh, mức độ an toàn… Tất cả đều được thiết kế tập trung nhiều hơn vào đánh giá vai trò của ngành du lịch trong một môi trường kinh tế - xã hội rộng mở hơn.
Báo cáo nhìn nhận ngành hàng không, du lịch dù chưa phục hồi trở lại ngưỡng tiền đại dịch, nhưng cũng đã ghi nhận những bước tiến lớn, nhờ vào độ che phủ vaccine ngừa COVID-19 rộng hơn, các nước bắt đầu mở cửa du lịch, nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế tăng trở lại. Phía trước vẫn là các thách thức cần vượt qua, trong đó có phân bổ vaccine không đồng đều trên thế giới, công suất phục vụ ngành du lịch bị thu hẹp, thiếu hụt lao động trong ngành và đứt gãy chuỗi cung…
Đứng đầu bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực phát triển ngành du lịch năm 2021 (The Travel & Tourism Development Index 2021-TTDI) là Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha (cùng đạt mức 5,2 điểm). Kế đến là Pháp và Đức (cùng 5,1 điểm), Thụy Sỹ, Australia, Anh, Singapore (cùng 5,0 điểm) và Italy (4,9 điểm).
Đáng chú ý, Việt Nam là nước bứt tốc mạnh nhất về điểm số trong bảng xếp hạng mới nhất này. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của WEF ghi nhận năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 với điểm số đạt 4,1 điểm, tăng 4,7%, lên thứ hạng 52, tăng 8 bậc so với năm 2019.
Tính theo mức cải thiện thứ hạng, Indonesia đứng đầu, tăng 12 bậc, từ vị trí 44 lên 32. Kế đến là Saudi Arabia, tăng 10 bậc, từ thứ 33 lên 43. Thứ hạng nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á bị tụt so với năm 2019, trong đó Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36; Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ ; Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75.