Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 5 - tháng 7 vừa qua tại hơn 100 quốc gia. Theo đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều nhất tại các nước gồm tiêm chủng định kỳ (70%), kế hoạch hóa gia đình (%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%) trong khi các dịch vụ cấp cứu tại 25% quốc gia tham gia khảo sát bị xáo trộn. Khu vực Đông Địa Trung Hải, gồm các nước Afghanistan, Syria và Yemen, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là các nước ở châu Phi và Đông Nam Á. Các nước châu Mỹ không tham gia khảo sát này.
Khảo sát WHO cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 đối với các dịch vụ y tế thiết yếu gây ra mối quan ngại lớn cho các chính phủ và những tiến bộ y tế vượt bậc mà các nước đạt được trong hơn hai thập kỷ qua có thể bị đại dịch này nhanh chóng hủy hoại.
Kể từ những ca mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tháng 12 năm ngoái tại Trung Quốc, đến nay virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của trên 854.000 người trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng những trường hợp tử vong không phải do COVID-19 cũng gia tăng tại một số nước do các dịch vụ chăm sóc y tế bị gián đoạn hay mạng lưới y tế quá tải.
Khảo sát của WHO chỉ rõ có căn cứ để dự đoán rằng ngay cả sự gián đoạn nhỏ đối với các dịch vụ y tế thiết yếu cũng có thể khiến tỷ lệ tử vong gia tăng cũng như nguy cơ cao mắc bệnh do những nguyên nhân khác.
Các chuyên gia của WHO cảnh báo tác động đại dịch COVID-19 có thể kéo dài ngay cả khi đại dịch đã qua đi vì nguồn lực tài chính của nhiều nước cho công tác chăm sóc y tế bị cạn kiệt.
WHO thường xuyên đưa ra cảnh báo về sự tác động của dịch COVID-19 đối với các chương trình bảo vệ sức khỏe khác, đồng thời khuyến nghị về việc giảm thiểu những tác động này. Khảo sát trên là dữ liệu đầu tiên của WHO cho đến nay về quy mô gián đoạn các dịch vụ chăm sóc y tế do dịch COVID-19.