Trong thông báo chính thức, WHO cho biết đại dịch COVID-19, tình trạng nghèo đói và các cuộc khủng hoảng nhân đạo đã gây sức ép nghiêm trọng đối với hệ thống y tế các nước.
Theo báo cáo, kể từ năm 2015, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 290.000 trường hợp sản phụ tử vong, 1,9 triệu trường hợp thai lưu và 2,3 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong 1 tháng kể từ khi chào đời. Ước tính cứ 7 giây thì xảy ra một trường hợp tử vong như vậy, hầu hết do các nguyên nhân hoàn toàn có thể được phòng, tránh và điều trị nếu được chăm sóc y tế đầy đủ.
Giám đốc WHO về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người cao tuổi Anshu Banerjee kêu gọi các nước cầng tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm tạo ra hiệu quả rõ rệt.
Hơn 190 quốc gia ủng hộ kế hoạch được công bố năm 2014 nhằm giảm tỷ lệ thai lưu và phòng tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh, nhất trí thực hiện mục tiêu chung nhằm giảm tỷ lệ tử vong xuống còn dưới 70 ca/100.000 trẻ sơ sinh. Các dữ liệu trong báo cáo cho thấy cần tăng tốc nỗ lực để đạt được mục tiêu trên, theo đó có thể cứu sống ít nhất 7,8 triệu trường hợp vào năm 2030.
Báo cáo cho biết tiến bộ trong nỗ lực này được thúc đẩy mạnh nhất trong khoảng thời gian từ năm 2000-2010, song cho rằng đình trệ xảy ra phần lớn do thiếu hụt kinh phí cho chăm sóc y tế. Chỉ 12% trong số 106 quốc gia trong báo cáo này có kế hoạch tài chính đáp ứng mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong khi đó, báo cáo cho thấy chỉ có 61% các quốc gia trong báo cáo có hệ thống ghi nhận các trường hợp thai lưu.
Cũng theo báo, 10 nước có tỷ lệ tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh, cũng như thai lưu cao nhất chiếm 60% tổng số các ca tử vong như vậy trên toàn thế giới.