Tuyên bố của WHO nêu rõ, châu Âu hiện là "tâm điểm của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất và lan rộng nhất được ghi nhận từ trước đến nay bên ngoài các khu vực mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở Tây và Trung Phi".
Trước diễn biến số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng ở châu Âu trong 2 tuần qua, Giám đốc của WHO tại khu vực này, ông Hans Kluge đưa ra các bước cần thiết để nhanh chóng điều tra và kiểm soát tình hình.
Văn phòng của WHO tại châu Âu lo ngại việc các nước thời gian gần đây gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các sự kiện và đi lại quốc tế sau thời gian áp dụng để phòng chống dịch COVID-19 có thể là một tác nhân khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan.
Ông Kluge cảnh báo khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây lan hơn nữa trong những tháng Hè - thời điểm diễn ra nhiều hoạt động đi lại, lễ hội hay tiệc tùng và mọi người tụ tập nhiều hơn. Ông kêu gọi các nước "tăng cường phối hợp và có các cơ chế chia sẻ thông tin, gia tăng giám sát và liên lạc cộng đồng để ngăn chặn thông tin sai lệch phát tán trên mạng hay các nguồn khác, dẫn đến các kết quả tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng".
Ông Kluge cho biết: “Mục tiêu của WHO là kiềm chế đợt bùng phát hiện nay bằng cách ngăn chặn lây bệnh từ người sang người ở mức tối đa có thể”. Ông kêu gọi các nỗ lực nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ và chia sẻ thông tin về cách thức giảm nguy cơ phơi nhiễm.
Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ các biện pháp được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19 là không cần thiết đối với bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, bởi cách lây lan virus không như nhau.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), nước này đã ghi nhận 190 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi ca mắc đầu tiên được xác nhận ngày 7/5. UKHSA khẳng định nguy cơ đối với người dân Anh vẫn ở mức thấp, nhưng cơ quan này khyến nghị người dân cảnh giác và báo với cơ quan y tế khi phát hiện bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương mới nào trên cơ thể.