Haiti ngày 2/10 thông báo ít nhất 7 người tử vong vì bệnh tả, làm dấy lên lo ngại về dịch bệnh xuất hiện trở lại sau gần 3 năm vắng bóng. Trong khi đó, nhiều ca mắc bệnh đã được phát hiện tại khu vực thủ đô Port-au-Prince và thị trấn duyên hải lân cận Cite Soleil.
Đây là những khu vực nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của các băng nhóm và khó có thể được tiếp cận kể từ cuối tháng 7. Trong những tuần gần đây, tình hình tại Haiti trở nên nghiêm trọng với các cuộc biểu tình, cướp phá, đình công, tình trạng thiếu nhiên liệu...
Phát biểu với phóng viên tại Geneve (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier nêu rõ: "Tình hình này làm phức tạp thêm ứng phó nhân đạo. Dịch bệnh đang diễn biến nhanh chóng và có thể những ca mắc trước đây chưa được phát hiện".
Theo ông Lindmeier, số ca tử vong do bệnh tả tại Haiti có thể cao hơn nhiều so với con số thông báo chính thức và số ca mắc có thể gia tăng bởi tình hình hiện nay gây khó khăn cho việc tiếp cận để tiến hành xét nghiệm hoặc hỗ trợ nhân đạo.
Người phát ngôn của WHO cho biết hiện chưa có báo cáo về đợt dịch bệnh này bắt nguồn từ đâu, song khoảng 80% dân số nước này nhiễm phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae có thể không có biểu hiện triệu chứng bệnh, khiến giới chức khó phát hiện bệnh.
Đợt bùng phát dịch tả năm 2010 tại Haiti đã khiến khoảng 10.000 người tử vong. Những ca mắc bệnh tả ghi nhận lần gần đây nhất tại quốc gia này là vào năm 2019. Năm 2020, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) tuyên bố Haiti đã qua 1 năm không ghi nhận ca bệnh tả nào.
Trước đó, ngày 30/9, WHO cảnh báo số ca mắc bệnh tả trên thế giới tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt ở những khu vực dân cư nghèo đói và xảy ra xung đột. Tính đến cuối tháng 9, đã có 26 quốc gia phát hiện các ổ dịch tả, đáng chú ý là tỷ lệ tử vong tăng mạnh.
Bệnh tả do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh này có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và duy trì bổ sung nước cho cơ thể, song có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ nếu không được điều trị kịp thời.