WHO cảnh báo về làn sóng nhiễm dịch COVID-19 thứ hai tại châu Âu 

Ngày 18/6, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu đã cảnh báo tình hình gia tăng đáng lo ngại tỷ lệ lây nhiễm và số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Đông Âu, mặc dù số ca nhiễm ở "Lục địa già" đã giảm trong nhiều tuần qua. 

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, Tiến sĩ Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết số quốc gia trong khu vực ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm lũy kế đã tăng hơn 3 lần, từ 6 lên 21 nước. Phát biểu trên đã xua tan ảo tưởng rằng châu Âu đã "an toàn" dựa trên số liệu của WHO cho rằng số ca nhiễm mới tại khu vực này tăng ổn định trong khoảng 17.000-20.000 ca/ngày, sau khi những nước có số ca nhiễm giảm duy trì được xu hướng này trong nhiều tuần.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 18/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Kluge, dịch bệnh vẫn hoành hành ở nhiều nước, do đó các quốc gia cần tiếp tục quá trình phục hồi và tái thiết nhưng vẫn duy trì cảnh giác và thận trọng khi nới lỏng phong tỏa. Chuyên gia WHO nhắc lại bài học của một số quốc gia đã ghi nhận nhiều ổ dịch địa phương sau khi mở cửa lại trường học. 

Tiến sĩ Hans Kluge nhắc lại lời kêu gọi các quốc gia châu Âu chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chăm sóc sức khỏe, vì đại dịch như COVID-19 buộc tất cả phải "mong chờ điều tốt đẹp nhất và lường trước điều tồi tệ nhất". Chuyên gia WHO nhấn mạnh nhân loại vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi đại dịch, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội chỉ có thể cho con người thêm thời gian để đối phó với COVID-19, và tất cả các quốc gia vẫn đối mặt nguy cơ cao. Do đó, ông kêu gọi các chính phủ chủ động đầu tư vào hệ thống truy vết lây nhiễm, xét nghiệm và giám sát để không phải tái phong tỏa nếu dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Cùng ngày, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho biết đến cuối năm nay có thể sản xuất được vài trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để phân phát cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất vì dịch bệnh. WHO đang nghiên cứu ước tính này, với mục tiêu nâng sản lượng lên 2 tỷ liều vào cuối năm 2021, trong bối cảnh các nhà khoa học trên toàn thế giới đang phát triển khoảng hơn 200 loại vaccine tiềm năng, trong đó có 10 loại đang được thử nghiệm trên người. Bà Swaminathan dự báo nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, sẽ có 1 hoặc 2 loại vaccine sẵn sàng đưa vào sử dụng trước năm 2021. 

Nhà nghiên cứu của WHO khẳng định những liều vaccine đầu tiên sẽ dành cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các nhân viên y tế và cảnh sát - những người làm việc nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19, người cao tuổi, người có bệnh nền, cùng những người sống trong các khu ổ chuột và nhà dưỡng lão, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Tháng Năm vừa qua, một số công ty dược cho biết ít nhất một loại vaccine sẽ sẵn sàng trước năm 2021, song cảnh báo cần tới 15 tỷ liều để "đánh bại" COVID-19.

Hồng Hạnh       (TTXVN)
WHO yêu cầu giám sát lâm sàng khi dùng thuốc Dexamethasone trong điều trị COVID-19
WHO yêu cầu giám sát lâm sàng khi dùng thuốc Dexamethasone trong điều trị COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 17/6 đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc dexamethasone để điều trị COVID-19 dưới sự giám sát chặt chẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN