Ngày 30/1/2020, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu - mức cao nhất trong các quy định của cơ quan y tế Liên hợp quốc - khi các nước, ngoài Trung Quốc, chưa có đến 100 ca mắc và chưa ghi nhận ca tử vong nào do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, 6 tuần sau đó, WHO xác nhận đây là đại dịch toàn cầu, gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước cần hành động khẩn trương để ngăn chặn.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/3 - hai ngày trước thời điểm tròn hai năm ngày WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ hơn 6 triệu người đã tử vong, trong khi gần 444 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Mặc dù số ca mắc và tử vong được báo cáo giảm trên toàn cầu, một số nước đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế, nhưng đại dịch còn lâu mới chấm dứt. Đại dịch sẽ không chấm dứt ở bất cứ đâu cho đến khi chấm dứt ở mọi nơi”. Tuần trước, số ca mắc mới tăng 46% tại khu vực Tây Thái Bình Dương lên 3,9 triệu ca mắc.
Theo Tổng Giám đốc WHO, khi virus gây bệnh tiếp tục biến đổi, các nước trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ vaccine, tiến hành xét nghiệm và điều trị. Ông cũng cảnh báo tỷ lệ xét nghiệm giảm mạnh gần đây, cho rằng điều này khiến nhà chức trách có thể đánh giá sai về diễn biến dịch bệnh.
Tuần trước, số ca mắc mới trên thế giới giảm 5% so với tuần trước, trong khi số ca tử vong giảm 8%. Tuy nhiên, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm chắc chắn thấp hơn so với thực tế do tỷ lệ xét nghiệm sụt giảm mạnh. Bà cho rằng 3 năm kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện, dịch bệnh vẫn đang lây lan quá mạnh. Quan chức WHO nêu rõ: “Mặc dù chúng ta ghi nhận xu hướng giảm, song tuần trước vẫn có hơn 10 triệu ca mắc được báo cáo trên toàn cầu. Chúng ta phải thận trọng”.
Trong bản cập nhật hằng tuần về dịch bệnh mới đây, WHO cho biết biến thể Omicron phổ biến hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này chiếm 99,7% mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 30 ngày qua và đã được giải trình tự gene.
WHO lưu ý nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng tiếp cận không công bằng về xét nghiệm, điều trị và vaccine ngừa COVID-19, dẫn đến đại dịch kéo dài. Về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, số liệu mới nhất của WHO cho thấy 23 nước vẫn chưa tiêm đủ liều cho 10% dân số, trong khi 73 nước chưa đạt được mục tiêu trong đầu năm 2022 bao phủ vaccine cho 40% dân số.