WHO đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh một số nước trên thế giới bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và lệnh phong tỏa từng áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ khó có thể dự đoán thời điểm con người tiêu diệt được loại virus mới xuất hiện này. Ông cảnh báo cùng với thời gian, SARS-CoV-2 sẽ trở thành một virus đặc hữu trong cộng đồng và sẽ không bao giờ biến mất.
Tuy nhiên, quan chức WHO bày tỏ tin tưởng các nước có thể biến thảm họa này thành cơ hội cho tương lai, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác cùng giải quyết các vấn đề với sự đoàn kết, tin tưởng và một hệ thống đa phương có thể mang lại lợi ích thực sự cho loài người. Ông nhấn mạnh, để đi đến thành công, điều này đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt chính trị, tài chính, kỹ thuật cũng như nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Virus SARS-CoV-2 bùng phát lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm ngoái và đến nay đã lây lan trên toàn thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã áp đặt các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế và lệnh phong tỏa, WHO cảnh báo không có gì đảm bảo rằng việc nới lỏng các hạn chế sẽ không gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo các nước vẫn nên duy trì cảnh giác và ở mức cao nhất có thể.
Theo worldometers.info, đến 14h ngày 14/5 (giờ Việt Nam), thế giới hiện ghi nhận tổng cộng 4.430.806 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 298.201 ca tử vong và 1.662.043 ca đã hồi phục. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 1.430.348 bệnh nhân, trong đó 85.197 người đã tử vong.