Tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 ca nghi mắc bệnh này tại 12 quốc gia thành viên WHO thường không ghi nhận bệnh này. WHO nói rõ trong những ngày tới, cơ quan này sẽ đưa ra hướng dẫn và khuyến nghị bổ sung về cách thức giảm thiểu sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.
Theo WHO, các thông tin hiện nay đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ lây từ người qua người thông qua tiếp xúc gần. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tự cách ly và khử khuẩn.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu tại các nước khu vực miền Trung và Tây Phi. Theo ông David Heymann, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO, một ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến nhằm nghiên cứu sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay cũng như cân nhắc những khuyến nghị phòng ngừa bệnh cho công chúng, trong đó có cảnh báo về sự lây lan không có triệu chứng hay những cách lây nhiễm khác nhau của bệnh này. Ông Heymann cho rằng tiếp xúc gần là phương thức lây nhiễm chủ yếu. Ví dụ như: cha mẹ chăm sóc con bị bệnh hay nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Do vậy, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa cho các nhóm nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
Giải trình gene các mẫu bệnh phẩm đậu mùa khỉ tại châu Âu cho thấy sự tương đồng với chủng virus từng lây lan ở mức độ hạn chế tại Anh, Israel và Singapore năm 2018. Ông Heymann cho rằng "hợp lý về mặt sinh học" khi virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã từng lây lan ở bên ngoài các quốc gia ghi nhận bệnh này là bệnh đặc hữu, song không dẫn tới các đợt bùng phát mạnh dẫn tới nhiều nước phải phong tỏa, giãn cách xã hội như dịch COVID-19. Chuyên gia này nhấn mạnh đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ không giống những ngày đầu của đại dịch COVID-19 vì bệnh này không dễ lây.
Theo ông, những người nghi đã tiếp xúc với ca bệnh hoặc có có triệu chứng như phát ban và sốt nên tránh tiếp xúc gần với người khác. Ông nhấn mạnh mặc dù đã có sẵn vaccine phòng bệnh, song điều quan trọng nhất là từng cá nhân bảo vệ chính mình.