Cụ thể, trong tuần từ 22-28/11, thế giới ghi nhận 3.799.878 ca mắc mới, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Số ca tử vong trong tuần là 47.524 ca, giảm 10%. Châu Phi, Tây Thái Bình Dương và châu Âu là ba khu vực ghi nhận xu hướng lây nhiễm tăng, với mức tăng tương ứng là 93%, 24% và 7% so với tuần trước đó. Châu Mỹ, Đông Nam Á là hai khu vực có số ca mắc mới giảm, lần lượt là 24% và 11%.
Đáng chú ý, tỉ lệ số ca mắc mới tăng vọt ở châu Phi chủ yếu là do công bố thông tin về số ca nhiễm mới ở Nam Phi, nơi được cho là khởi phát của siêu biến thể Omicron. Vì thế, đây là xu hướng đáng quan ngại. Trong tuần châu Phi ghi nhận 43.730 ca, trong đó riêng Nam Phi chiếm 43%.
21 trên tổng số 49 quốc gia châu Phi có số lượng ca nhiễm mới tăng trên 10% so với tuần trước đó. Đứng đầu là Nam Phi, với 29.373 ca nhiễm mới, tỉ lệ lây nhiễm trong 7 ngày là 49,5 ca/100.000 dân, tăng đến 740% so với tuần trước. Kế đến là Mauritius, với 3.474 ca nhiễm mới, tỉ lệ 273,2 ca/100.000 dân, giảm 63%; Réunion với 1.875 ca nhiễm, tỉ lệ 209,4 ca/100.000 dân, tăng 43%.
Về tử vong, Đông Nam Á là khu vực có số ca tử vong tăng với tỉ lệ cao nhất nhất, với 3.574 ca, tăng 26%, kế đến là châu phi, tăng 8% (525 ca). Châu Mỹ có mức tử vong giảm mạnh nhất, với 9.397 ca, giảm 36% so với tuần trước; kế đến là Đông Địa Trung Hải, với 1.772 ca (giảm 8%), châu Âu với 29.096 ca (giảm 2%).
Tính theo từng quốc gia, Mỹ đứng đầu về số ca nhiễm mới trong tuần, với 464.000 ca, giảm 31% so với tuần trước. Kế đến là Đức (406.754ca, tăng 22% so với tuần trước), Anh (304.374 ca, tăng 8%), Nga (239.215 ca, giảm 8%) và Pháp (190.402 ca, tăng 62%).