Theo Channel News Asia, trong tháng 1/2021, các nhà điều tra sẽ tới Trung Quốc và địa điểm họ bắt đầu điều tra là thành phố Vũ Hán – nơi từng phát hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên 12 tháng trước.
“Tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc họp với những người đồng nghiệp Trung Quốc rất khả quan và có hiệu quả. Ấn tượng của tôi lúc này là người Trung Quốc cũng muốn thực sự tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra”, Fabian Leendertz – một điều tra viên làm việc cho Viện Kiểm soát Dịch bệnh Robert Koch tại Đức – cho hay. Kể từ cuối tháng 10, 10 chuyên gia thuộc nhóm điều tra đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến thường xuyên với các nhà khoa học Trung Quốc.
Chuyên gia Leendertz (48 tuổi) là một trong 10 nhà khoa học thuộc các nước gia nhập nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO. Một năm sau khi ổ dịch đầu tiên bùng phát tại Vũ Hán, nhóm điều tra này sẽ di chuyển tới Trung Quốc lần đầu tiên để triển khai nhiệm vụ kéo dài khoảng 5-6 tuần. Hai tuần đầu sau khi hạ cánh xuống Vũ Hán, họ sẽ được cách ly. Đi cùng 10 nhà nghiên cứu điều tra tới Trung Quốc có thêm ông Peter Ben Embarek – một chuyên gia về an toàn thực phẩm và bệnh truyền nhiễm từ động vật của WHO.
“Nhiệm vụ này không phải là tìm ra quốc gia hay tổ chức gánh tội làm lây lan dịch bệnh. Chúng tôi chỉ muốn nắm rõ chuyện gì đã xảy ra để tránh tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai, giảm thiểu nguy cơ”, ông Leendertz nhấn mạnh hàng năm đều có virus lây truyền từ động vật sang người. “Chỉ là không may khi virus lần này thực sự nguy hiểm”, chuyên gia người Đức giải thích, “chúng tôi bắt đầu từ Vũ Hán vì đây là nơi mà có những dữ liệu đầu tiên chắc chắn nhất. Từ đó, cuộc điều tra dẫn chúng tôi đến đâu thì chúng tôi đi đến đó”.
Tuy nhiên, ông Leendertz cảnh báo "chúng ta không nên kỳ vọng rằng sau chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc vào tháng 1". Ông hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ trở lại Trung Quốc với một "kế hoạch cụ thể". Chuyên gia Leendertz tiết lộ đảm trách "phần lớn nhất" trong nhiệm vụ sẽ do các chuyên gia Trung Quốc thực hiện, trong khi đội ngũ quốc tế “sẽ hỗ trợ" và “đảm bảo sự minh bạch” của cuộc điều tra.
Trong khi các nhà khoa học trước đó tin rằng dơi là loài vật chủ ban đầu của virus SARS-CoV-2 thì loài động vật trung gian giữa dơi và người vẫn chưa được tìm ra.
Theo ông Leendertz, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành kiểm tra các mẫu bệnh phẩm do chính quyền Trung Quốc lưu trữ và mẫu huyết thanh từ những người hiến máu để xem có ai tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trước khi ổ dịch đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2019 hay không. Một cách tiếp cận khác sẽ là xác định vai trò của chợ bán hải sản Vũ Hán - nơi mua bán động vật ngoại lai còn sống.