Theo nghiên cứu, tỷ lệ dân số thiếu vận động đã tăng 5% so với năm 2010, cho thấy xu hướng đáng lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng thiếu vận động được WHO xác định là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch, tiểu đường, một số loại ung thư và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ thiếu vận động giữa các quốc gia và khu vực. Tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), 66% người trưởng thành không vận động đủ, trong khi con số này ở Malawi chỉ dưới 3%. Tương tự, phụ nữ có tỷ lệ thiếu vận động cao hơn nam giới, với 34% so với 29%.
Báo cáo cho rằng nếu tình trạng này tiếp tục duy trì, tỷ lệ người thiếu vận động đã tăng lên 35% vào năm 2030.
Thực tế này cho thấy thế giới khó hoàn thành được mục tiêu do WHO đề ra là giảm 15% tỷ lệ thiếu vận động thể chất toàn cầu vào cuối thập kỷ này.
Theo khuyến nghị của WHO, để khỏe mạnh, người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất cường độ vừa phải, hoặc 75 phút cho các bài tập mạnh hơn. Các hoạt động này bao gồm đi bộ, đạp xe, làm việc nhà hoặc tham gia các môn thể thao.
Bên cạnh việc khuyến khích thay đổi thói quen cá nhân, WHO cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp để thúc đẩy lối sống năng động, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao cộng đồng; khuyến khích đi bộ, đạp xe và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Báo cáo của WHO nhấn mạnh rằng việc giải quyết tình trạng thiếu vận động đòi hỏi nỗ lực chung từ cả cá nhân và chính phủ. Bằng cách thúc đẩy lối sống năng động và tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động thể chất, thế giới có thể cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Báo cáo của WHO được tổng hợp từ hơn 500 nghiên cứu có sự tham gia của 5,7 triệu người trên khắp 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo chỉ ra rằng có gần một nửa số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong thập kỷ qua và 22 quốc gia đang trên đà đạt được mục tiêu năm 2030 nếu các nước tiếp tục đi đúng hướng trong nỗ lực tăng tỷ lệ người vận động.