Phát biểu tại họp báo ở Liên hợp quốc (LHQ), cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến cam kết lớn, thách thức là thực hiện các cam kết này để trong tháng 6 -7 - 8 tới, chúng ta có vaccine cho mọi người". Ông Aylward ước tính sự đứt quãng và chậm xuất khẩu vaccine của Ấn Độ đồng nghĩa với việc cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX đang thiếu hụt khoảng 200 triệu liều.
Trước đó, ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu và thực hiện ngay lập tức phân bổ 25 triệu liều đầu tiên trong số này. 75% trong số khoảng 80 triệu liều sẽ được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á và Đông Nam Á, cùng với châu Phi. 25% số vaccine còn lại dành cho những nhu cầu cấp bách, trong đó có những quốc gia đang trải qua đợt tăng đột biến số ca mắc COVID-19, các nước láng giềng cũng như các quốc gia yêu cầu sự hỗ trợ ngay lập tức từ phía Mỹ.
* Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Anh đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Quyết định này được đưa ra một tuần sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cũng "bật đèn xanh" cho việc sử dụng vaccine này đối với thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, cho rằng lợi ích của việc tiêm vaccine vượt trội so với những rủi ro. Trước đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Italy đã cấp phép sử dụng vaccine này cho trẻ từ 12-15 tuổi và Đức cũng tuyên bố muốn tiêm chủng cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên trước cuối mùa Hè này.