Trong một tài liệu hướng dẫn, WHO cho biết các loài động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, là nguồn gốc của hơn 70% số bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người, trong đó nhiều bệnh do các loại virus mới gây ra. Động vật hoang dã cũng đặt ra nguy cơ xuất hiện các căn bệnh mới. Do đó, việc cấm bán động vật có vú hoang dã ở các chợ dân sinh truyền thống có thể giúp bảo vệ sức khỏe của các tiểu thương và người tiêu dùng.
Tài liệu hướng dẫn của WHO, được ban hành cùng với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), kêu gọi các nước ngay lập tức chấm dứt buôn bán động vật có vú hoang dã ở các chợ thực phẩm. WHO đồng thời hối thúc chính phủ các nước đóng cửa các khu vực bán động vật có vú hoang dã còn sống ở chợ nếu các biện pháp đánh giá rủi ro không được thực hiện đầy đủ.
Cuối năm 2019, những ca bệnh đầu tiên liên quan đến COVID-19 được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, và nhanh chóng bùng phát thành đại dịch lây lan ra toàn thế giới. Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại chợ buôn bán động vật hoang dã ở Vũ Hán. Virus này lây sang người qua vật trung gian, có thể là tê tê.
Sự xuất hiện và lây lan của dịch COVID-19 và các dịch bệnh tương tự như SARS, MERS trong những năm gần đây đã cho thấy sự nguy hiểm của việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã đối với sức khoẻ con người. Năm ngoái, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng ra lời kêu gọi chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong toàn khu vực.