Theo bà Moeti, châu Phi đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng về bệnh ung thư, với số ca mắc mới ghi nhận vào năm 2022 là khoảng 882.000, trong đó, số trường hợp tử vong là khoảng 573.000.
Trong một thông báo đưa ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, bà nhấn mạnh: "Tình hình bệnh ung thư ở châu Phi rất đáng quan ngại". Theo bà, nếu không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát kịp thời, cuộc khủng hoảng về bệnh ung thư sẽ làm hủy hoại cuộc sống của người dân châu Phi, hệ quả là gây ra thêm nhiều gánh nặng đối với gia đình cũng như rút ngắn tuổi thọ trung bình của người dân châu lục này.
Bà Moeti dẫn số liệu cho biết ung thư phổ biến tại châu lục là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, đại trực tràng và gan. Khoảng 50% số ca ung thư mới được chẩn đoán trong số người trưởng thành ở châu Phi đều mắc những bệnh ung thư kể trên. WHO dự báo số ca tử vong mỗi năm vì ung thư ở châu Phi có thể sẽ tăng lên 1 triệu người vào năm 2030.
Trong hai thập kỷ tới, WHO dự đoán tỷ lệ tử vong vì ung thư ở châu Phi có thể sẽ vượt mức trung bình 30% trên phạm vi toàn cầu. Tỷ lệ sống sót sau ung thư ở châu lục này hiện ở mức trung bình là 12%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình hơn 80% tại các nước phát triển.
Mặc dù các nước châu Phi đã nỗ lực trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh ung thư, như việc triển khai các xét nghiệm sàng lọc cho kết quả chính xác và triển khai chương trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa các bệnh liên quan đến virus gây u nhú ở người, song các nước cần nỗ lực hơn nữa. Bà Moeti nhấn mạnh, việc tiếp cận bình đẳng với kiểm tra sàng lọc, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ tác động do bệnh ung thư gây ra vẫn là chìa khóa để kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân và giảm thiểu tử vong.
Ngày Thế giới phòng chống Ung thư năm 2024 nhấn mạnh vai trò của các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các mối quan hệ đối tác trong việc ưu tiên đầu tư vào các chương trình phòng ngừa và chăm sóc cho bệnh nhân ung thư, hướng tới mục tiêu về một thế giới không có ung thư.